Thời điểm cấp huyện dừng hoạt động là khi nào?
Dự kiến thời điểm cấp huyện dừng hoạt động theo lộ trình là ngày 01/7/2025. Lúc này, nước ta sẽ vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (tỉnh, cơ sở) thay vì 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) như hiện nay.
Bởi theo lộ trình sáp nhập tỉnh thành và sáp nhập xã mới nhất tại Công văn 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025 thì dự kiến từ ngày 01/7/2025 sẽ vận hành đơn vị cấp xã theo tổ chức mới và từ 01/9/2025 sẽ vận hành đơn vị cấp tỉnh mới sau sáp nhập.
Bên cạnh đó, tại Điều 1 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 cũng đã đề xuất tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo; bỏ thị trấn.
Cụ thể, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đã đề xuất sửa đổi quy định đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh);
- Đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm: xã, phường, đặc khu tại hải đảo (cấp cơ sở);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
- Đặc khu tại hải đảo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Như vậy theo đề xuất, sẽ tổ chức lại đơn đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo và bỏ thị trấn. Cấp dưới tỉnh sẽ không còn cấp huyện như theo quy định hiện hành tại Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.

Theo Công văn 43-CV/BCĐ, trước ngày 30/6/2025:
(1) Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
- Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
(2) Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
- Xây dựng đề án chi tiết không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (lưu ý quan tâm bố trí cán bộ, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị).
- Phối hợp với các ban Đảng ở Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương triển khai phương án sáp nhập tỉnh.
Dự kiến thành phố thuộc tỉnh sẽ trở thành phường
Nội dung này được đề xuất tại Điều 2 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được quy định như sau:
(1) Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, xã.
Quy định hiện hành: Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã
(2) Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, phường.
Quy định hiện hành: Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn
(3) Chính quyền địa phương ở hải đảo là chính quyền địa phương ở đặc khu.
(4) Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính quy định tại (1), (2) và (3) gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
(5) Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Có thể thấy, mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (dự kiến hoạt động từ 01/7/2025) đã không còn chính quyền ở các đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thị trấn.
Chính quyền địa phương ở đô thị được đề xuất chỉ còn thành phố trực thuộc trung ương và phường.
Như vậy, nếu dự thảo Luật được thông qua thì các thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương dự kiến sẽ trở thành phường, tương đương với đơn vị hành chính cấp cơ sở mới.
Trên đây là thông tin về thời điểm cấp huyện dừng hoạt động.