Thẻ Căn cước trẻ em có thời hạn bao lâu? Đủ tuổi chưa làm có bị phạt?

01/7/2024 là thời điểm công dân chính thức được cấp thẻ Căn cước. Nhiều người đã thực hiện thủ tục cấp thẻ, bao gồm cả trẻ em. Vậy thẻ Căn cước của trẻ em có thời hạn bao lâu?

Thẻ Căn cước trẻ em có thời hạn bao lâu?

Cấp Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi (bao gồm cả trẻ sơ sinh) là quy định mới tại Luật Căn cước số 26/2023/QH15 so với Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 và các văn bản liên quan đến Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mã vạch trước đó.

Những ngày vừa qua không hiếm gặp trường hợp trẻ nhỏ được bố mẹ, người thân dẫn đi làm thẻ Căn cước. Nhiều người băn khoăn, thẻ Căn cước trẻ em có thời hạn bao lâu, dùng được mấy năm thì phải cấp lại.

Theo đó, thẻ Căn cước của trẻ em có thời hạn sử dụng như sau:

- Nếu trẻ thực hiện làm thẻ khi mới sinh đến trước thời điểm tròn 12 tuổi: Trẻ phải thực hiện đổi thẻ khi tròn 14 tuổi.

- Trẻ làm thẻ Căn cước khi đã tròn 12 tuổi: Thẻ Căn cước đó trẻ được dùng đến mốc 25 tuổi.

- Nếu trẻ chưa thực hiện làm thẻ Căn cước thì mốc 14 tuổi trẻ bắt buộc phải thực hiện thủ tục này.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 21 về độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước có quy định rõ:

1. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Điều này có nghĩa, bắt buộc công dân phải làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước ở 04 mốc tuổi:

  • Khi công dân đủ 14 tuổi
  • Khi công dân đủ 25 tuổi
  • Khi công dân đủ 40 tuổi
  • Và khi công dân đủ 60 tuổi.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều luật này còn quy định rõ, nếu thẻ Căn cước đã được cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước theo quy định nêu trên thì thẻ đó sẽ có giá trị đến tuổi cấp đổi thẻ Căn cước ở mốc tuổi tiếp theo.

Ví dụ:

  • Nếu khi tròn 12 tuổi làm thẻ Căn cước thì thẻ Căn cước đó được sử dụng đến mốc đổi thẻ 25 tuổi, mốc 14 tuổi công dân không phải thực hiện
  • Nếu tròn 23 tuổi cấp đổi thẻ Căn cước thì thẻ đó được dùng đến mốc 40 tuổi.
  • Nếu tròn 38 tuổi cấp đổi thẻ thì thẻ đó được dùng đến mốc 60 tuổi; và nếu khi tròn 58 tuổi công dân thực hiện cấp đổi, thẻ thì thẻ Căn cước đó được sử dụng đến hết đời (trừ trường hợp thẻ hư hỏng, mất, sai thông tin thì làm lại; hoặc công dân có nhu cầu làm lại thẻ).

Như vậy từ các quy định trên có thể thấy, tùy vào từng trường hợp cụ thể ở trên để quy định thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước cho trẻ em là bao lâu.

the-can-cuoc-tre-em-co-thoi-han-bao-lau
Nhiều người chưa biết thẻ Căn cước trẻ em có thời hạn bao lâu? (Ảnh minh họa)

Theo quy định, việc cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi phải thông qua người đại diện hợp pháp. Người đại diện hợp pháp làm thủ tục cấp thẻ qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID.

Đối với người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Theo Luật Căn cước, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu chứ không bắt buộc.

Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định:

- Thẻ Căn cước có giá trị chứng minh về Căn cước, các thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác...

- Thẻ Căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép sử dụng thẻ Căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 hiện nay có thể đăng ký bằng thẻ Căn cước có thể tích hợp được thông tin hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng, thông tin có trên giấy khai sinh.

Do vậy, thẻ Căn cước của trẻ có thể được dùng thay giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc thẻ bảo hiểm y tế…

Đến tuổi chưa làm Căn cước có thể sẽ bị phạt?

Quy định hiện hành về xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến thẻ Căn cước chưa quy định xử phạt về hành vi đủ tuổi nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước sẽ bị phạt. Hiện, chỉ có quy định về việc sử dụng Căn cước công dân hết hạn tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Đây được xem là một trong các hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi thẻ Căn cước công dân.

Theo đó, công dân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng.

Tuy nhiên theo quy định mới tại Luật Căn cước, cụ thể tại khoản 2 Điều 19:

2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

So với quy định trước đây tại Luật Căn cước công dân 2014 là “công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân”.

Như vậy, theo Luật mới, có thể thấy làm thẻ Căn cước có thể xem là một quy định bắt buộc đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Nếu không thực hiện có thể bị xử phạt hành chính như mức phạt đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước.

Mới đây, Bộ Công an đã có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất mức phạt khi không đổi thẻ Căn cước từ 01/7/2024, đề xuất mức phạt đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước, giấy chứng nhận Căn cước; cấp Căn cước điện tử sẽ bị phạt 300.000 đồng - 500.000 đồng.

Do vậy, thời gian tới khi dự thảo Nghị định này được thông qua, nếu công dân đến tuổi (tròn 14 tuổi trở lên) chưa làm thẻ Căn cước có thể sẽ bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng.

Trên đây là thông tin liên quan đến thẻ Căn cước trẻ em có thời hạn bao lâu?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.