Tách hộ khi chưa có nhà riêng được không?

Không ít trường hợp ở chung với gia đình vợ/chồng, muốn tách hộ nhưng chưa có nhà riêng. Từ 01/7/2021, pháp luật có cho phép tách hộ khi chưa có nhà riêng không?

*** Từ ngày 01/7/2021, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, Bộ Công an sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu giấy, dần chuyển sang quản lý công dân bằng mã số định danh cá nhân (hộ khẩu điện tử). Vì thế, từ ngày này chỉ có khái niệm "tách hộ" chứ không phải là "tách hộ khẩu" như trước đây.


Điều kiện tách hộ khi cùng nơi cư trú

Theo Điều 25 Luật Cư trú 2020, thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

- Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.

Như vậy, muốn tách hộ khi cùng nơi cư trú chỉ cần tiến hành thủ tục tách hộ mà không nhất thiết phải có nhà riêng. Lưu ý cần phải có ít nhất một người có năng lực dân sự hành vi đầy đủ; được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho tách hộ.

Ngoài ra, nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật

- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật

- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

tach ho khi chua co nha rieng
Tách hộ khi chưa có nhà riêng được không? (Ảnh minh họa)


Thủ tục tách hộ khi chưa có nhà riêng

Khoản 2 Điều 25 Luật Cư trú 2020 quy định hồ sơ tách hộ gồm giấy tờ sau:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

- Trường hợp tách hộ sau ly hôn thì hồ sơ tách hộ bao gồm:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu cho cơ quan đăng ký cư trú.

Thời gian giải quyết là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp nhanh nhất.

>> 4 thay đổi liên quan đến tách hộ khẩu từ 01/7/2021

>> Những điểm mới của Luật Cư trú ảnh hưởng đến mọi người dân

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục