Sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại bị xử lý thế nào?

Cá nhân có quyền với hình ảnh của bản thân. Bất cứ hành vi sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại trái luật đều bị xử lý. Vậy trường hợp đó là gì? Sẽ bị xử lý thế nào?

Sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại là gì?

Sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại là hành vi cá nhân, tổ chức lấy hình ảnh của một người nhằm sử dụng với mục đích kiếm lời từ chính hình ảnh đó.

Đặc biệt, tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại thì bắt buộc phải trả thù lao cho người có hình ảnh trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác thì người sử dụng có thể trả hoặc không trả thù lao theo thoả thuận.

Tuy nhiên, dù có trả thù lao hay không thì bắt buộc phải được người đó đồng ý cho sử dụng hình ảnh của người đó ngoại trừ hai trường hợp sau đây sẽ không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc lợi ích cộng đồng.

- Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng như tại các hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của người có hình ảnh.

Sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại
Sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại phải trả phí (Ảnh minh hoạ)

Sử dụng trái phép hình ảnh người khác vì mục đích thương mại bị xử lý thế nào?

Do cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, bất cứ ai muốn sử dụng hình ảnh của người khác đều phải nhận được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó.

Nếu không, theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự, người sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại trái pháp luật có thể sẽ bị khởi kiện ra Toà yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

Phải bồi thường thiệt hại

Khi hình ảnh của cá nhân bị đăng lên báo, mạng xã hội… nhằm mục đích thương mại mà không được sự cho phép của người có hình ảnh và không được trả thù lao thì người có hình ảnh hoàn toàn có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo đó, những khoản chi phí được xác định về thiệt hại mà người có hình ảnh có thể yêu cầu bồi thường gồm: Thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về chi phí dùng để hạn chế, khắc phục thiệt hại…

Mức bồi thường sẽ do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì sẽ do Toà án căn cứ vào tình hình thực tế để tính. Riêng thiệt hại về tinh thần (nếu có), người có hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại trái luật sẽ phải bồi thường tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.

Trong đó, từ nay đến hết 30/6/2023, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng và từ ngày 01/7/2023 trở đi, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần tối đa đến hết 30/6/2023 là 14,9 triệu đồng và từ 01/7/2023 trở đi là 18,0 triệu đồng.

Nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính

Các hành vi đăng ảnh người khác nhằm mục đích thương mại sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt trong hoạt động quảng cáo, văn hoá và Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt trong hoạt động báo chí, xuất bản cụ thể như sau:

Đơn vị: Triệu đồng

Hành vi

Mức phạt

Căn cứ

Sử dụng hình ảnh trẻ em dưới 07 tuổi minh hoạ trên xuất bản phẩm mà cha mẹ/người giám hộ của trẻ không đồng ý hoặc với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên mà không được chính trẻ, cha mẹ/người giám hộ của trẻ đồng ý

03 - 05

điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định 119/2020/NĐ-CP

Quảng cáo có sử dụng hình ảnh của cá nhân mà chưa được người đó cho phép trừ trường hợp được pháp luật cho phép

20 - 40

điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP

Trên đây là giải đáp chi tiết về việc sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục