Có tới 5 loại giấy tờ Căn cước, công dân sử dụng mỗi loại thế nào?

Trải qua nhiều lần thay đổi và mới đây nhất là sự ra đời của thẻ Căn cước, hiện có tới 05 loại giấy tờ chứa các thông tin về Căn cước của công dân Việt Nam. Vậy đó là gì? Sử dụng 5 loại giấy tờ Căn cước thế nào?

5 loại giấy tờ Căn cước là những gì?

Tính đến thời điểm hiện nay, công dân đã có nhiều lần thay đổi giấy tờ về căn cước nhưng giấy tờ về căn cước đang được áp dụng song song là:

  • Chứng minh nhân dân 9 số
  • Chứng minh nhân dân 12 số
  • Căn cước công dân mã vạch
  • Căn cước công dân gắn chip
  • Thẻ Căn cước

Trong đó, giấy tờ tùy thân của công dân được cấp nhằm chứng nhận về các đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân được ra đời từ năm 1957 với tên gọi là giấy chứng minh.

Sau đó, loại giấy tờ này được đổi tên thành giấy Chứng nhận căn cước năm 1972. Đến 1976 đổi thành giấy căn cước, cấp cho công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên.

Đến 1999, tại Nghị định 05/1999/NĐ-CP, giấy tờ này được đổi tên thành Chứng minh nhân dân, cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên và có thời hạn 15 năm.

Tuy nhiên, đến năm 2012, công dân được cấp CMND 12 số thay cho Chứng minh nhân dân 9 số. Đồng thời, ảnh công dân được in trực tiếp trên thẻ mà không phải dán vào như CMND 9 số và giấy tờ này có mã vạch 2 chiều.

Đến năm 2016, Chứng minh nhân dân được đổi tên thành thẻ Căn cước công dân, được cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên, cấp đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Bộ Công an cấp thẻ Căn cước công dân bằng mã vạch và số Căn cước công dân cũng chính là số định danh cá nhân của công dân.

Vào năm 2021, từ thí điểm đến khi áp dụng chính thức, công dân được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip có nhiều tính năng ưu việt, bảo mật cao, tích hợp nhiều giấy tờ, thông tin cơ bản của công dân.

Và mới đây, năm 2023, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.

Sử dụng 5 loại giấy tờ Căn cước thế nào?

Với các loại Chứng minh nhân dân

Theo quy định tại Điều 46 quy định chuyển tiếp của Luật Căn cước, Chứng minh nhân dân còn hạn thì sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Riêng Chứng minh nhân dân đã hết hạn từ 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục được dùng hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, tất cả các loại Chứng minh nhân dân (bao gồm cả loại 9 số và loại 12 số) thì chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024. Từ 2025, công dân không được sử dụng CMND để giao dịch hoặc làm các thủ tục hành chính khác.

Với các loại Căn cước công dân

Cũng theo quy định tại Luật Căn cước, với Căn cước công dân dù là mã vạch hay gắn chip được cấp trước ngày 01/7/2024 được dùng đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Nếu có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì có thể làm thủ tục cấp đổi sang thẻ Căn cước.

Tuy nhiên, cũng giống như CMND, nếu thẻ CCCD hết hạn từ 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục được dùng hết ngày 30/6/2024.

Lưu ý: Thẻ Căn cước công dân có giá trị như thẻ Căn cước tại Luật Căn cước và công dân không cần phải thực hiện các thủ tục để thay đổi, điều chỉnh thông tin về số CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Như vậy, các quy định này áp dụng chung cho thẻ Căn cước công dân trong đó bao gồm cả thẻ CCCD gắn chip và thẻ CCCD mã vạch.

Sử dụng 5 loại giấy tờ Căn cước thế nào theo Luật Căn cước?
Sử dụng 5 loại giấy tờ Căn cước thế nào theo Luật Căn cước? (Ảnh minh họa)

Thẻ Căn cước

Đây là loại giấy tờ hoàn toàn mới tại Luật Căn cước. Theo đó, giấy tờ tùy thân này chứa đựng các thông tin về Căn cước của công dân Việt Nam, gồm:

Ảnh khuôn mặt, số định danh cá nhân, họ chữ đệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú…

Đây là loại giấy tờ có giá trị chứng minh về căn cước và các thông tin khác được tích hợp ở trên trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, sử dụng thay thế giấy tờ xuất nhập cảnh, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…

Thẻ Căn cước sẽ được chính thức đưa vào sử dụng từ 01/7/2024 khi Luật Căn cước có hiệu lực vào ngày này.

Như vậy, người dân được sử dụng 05 loại giấy tờ gồm CMND (9 số và 12 số), Căn cước công dân (mã vạch và gắn chip) và thẻ Căn cước (được sử dụng từ 01/7/2024). Sang 2025, người dân chỉ còn được sử dụng thẻ CCCD (mã vạch và gắn chip) cho đến hết hạn sử dụng trên thẻ cùng với thẻ Căn cước.

Trên đây là thông tin về sử dụng 5 loại giấy tờ Căn cước. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.

Đã đổi CCCD mới nhưng vẫn sử dụng CMND, hậu quả thế nào?

Đã đổi CCCD mới nhưng vẫn sử dụng CMND, hậu quả thế nào?

Đã đổi CCCD mới nhưng vẫn sử dụng CMND, hậu quả thế nào?

Căn cước công dân (CCCD) là giấy tờ tùy thân phổ biến nhất hiện đang được sử dụng tại Việt Nam. Có không ít người tuy đã đổi CCCD mới nhưng vẫn sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) trong các thủ tục, giao dịch... mà không biết mình có thể sẽ bị phạt hoặc gặp rủi ro về mặt pháp lý.