ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- Số: 81/2014/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2012/QĐ-UBND NGÀY 01/03/2012 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH SOẠN THẢO, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VÀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ DO ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ TRÌNH.
-------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 2169/TTr-STP ngày 22 tháng 8 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 01/03/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định về Quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố và dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố trình, cụ thể như sau:
1. Sửa đổi Khoản 6 Điều 10, như sau:
“Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Trường hợp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố có quy định về thủ tục hành chính, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến của Sở Tư pháp theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Khoản 2 Điều này”.
2. Bổ sung Điều 10a như sau:
“Điều 10a. Nội dung kiểm soát thủ tục hành chính đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố có quy định thủ tục hành chính.
1. Đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến
kiểm soát thủ tục hành chính.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm cho ý kiến đối với quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố. Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố phải gửi dự thảo văn bản đến Sở Tư pháp để cho ý kiến.
Hồ sơ gửi Sở Tư pháp gồm: Công văn đề nghị; dự thảo Quyết định; tờ trình; bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính (theo biểu mẫu tại Phụ lục I, II ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát đánh giá thủ tục hành chính); các tài liệu có liên quan (nêu có).
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp phải có văn bản cho ý kiến về quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy định thủ tục hành chính thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát hoặc phát phiếu thăm dò. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của Sở Tư pháp.
3. Thẩm định quy định về thủ tục hành chính
Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.”
3. Sửa đổi Điểm e Khoản 2 Điều 11 như sau:
“e) Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính, ngoài thành phần hồ sơ nói trên, hồ sơ thẩm định phải có thêm bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính và văn bản cho ý kiến của Sở Tư pháp, nếu thiếu các tài liệu nêu trên Sở Tư pháp không tiếp nhận hồ sơ để thẩm định.”
“3. Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố có nội dung quy định về thủ tục hành chính, việc thẩm định được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười (10) ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành thuộc thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: - Như điều 3; - Bộ Tư pháp; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ TP; - TTTU, TTHĐND TP; - Chủ tịch UBND TP; - Các PCTUBND TP; - VPUBND: CVP, PCVP, các phòng CV; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội; - Trung tâm Tin học - Công báo; - Lưu: VT, NCo. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Hồng Sơn |