Quyết định 25/2020/QĐ-UBND quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số tỉnh Vĩnh Phúc
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 25/2020/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 25/2020/QĐ-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Văn Trì |
Ngày ban hành: | 11/06/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Hành chính |
tải Quyết định 25/2020/QĐ-UBND
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2020/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 6 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
_________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Thông tư số 185/2019/TT-BQP ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ;
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 15/TTr-STTTTT ngày 07/4/2020 và Văn bản số 481/STTTT-CNTT gày 04/6/2020 v/v ban hành Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể ngày 30/6/2020.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và cá nhân thuộc các cơ quan nêu trên có liên quan đến hoạt động quản lý, triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
2. Các cơ quan trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh triển khai các giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành tích hợp, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước về sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
2. Những vướng mắc, phát sinh trong quá trình phối hợp phải được thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật và phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Ủy ban nhân dân cấp xã có vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện; các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có vướng mắc, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Đề xuất, tham mưu việc ban hành kế hoạch, các văn bản quy định quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Báo cáo tình hình triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong năm và xây dựng kế hoạch, nhu cầu sử dụng của năm kế tiếp cho thuê bao thuộc quyền quản lý theo hướng dẫn của Ban Cơ yếu Chính phủ.
3. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các thuê bao trong quá trình triển khai, quản lý và sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý.
4. Tổ chức tập huấn, huấn luyện triển khai, sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Điều 5. Phương thức phối hợp
Tùy theo tính chất, nội dung công việc, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp sau đây:
1. Trao đổi thông qua văn bản.
2. Trao đổi thông qua các phương tiện thông tin liên lạc hoặc trực tiếp gặp gỡ để trao đổi.
3. Cử cán bộ tham gia các hoạt động phối hợp giữa các bên.
4. Tổ chức hội nghị, hội thảo.
5. Tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra các thuê bao trong quá trình triển khai, quản lý và sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý.
Chương II. TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nội dung phối hợp quy định tại Điều 4 Quy chế này, cụ thể như sau:
1. Chủ trì tham mưu, đề xuất việc ban hành kế hoạch, các văn bản quy định việc quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Chủ trì tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đối với các nội dung tổng hợp, báo cáo thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Chủ trì phối hợp với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin và các cơ quan liên quan (nếu có) hướng dẫn, kiểm tra lỗi và bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cho các thuê bao thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình sử dụng các thiết bị lưu khóa bí mật do Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cung cấp để triển khai các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử tỉnh.
4. Chủ trì phối hợp với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin và các cơ quan liên quan (nếu có) tổ chức tập huấn về việc quản lý, sử dụng các thiết bị lưu khóa bí mật do Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cung cấp để triển khai các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
Các cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ có trách nhiệm thực hiện nội dung phối hợp quy định tại Điều 4 Quy chế này, cụ thể như sau:
1. Chủ trì quản lý, kiểm tra, đôn đốc sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong phạm vi quản lý của cơ quan theo đúng quy định pháp luật.
2. Chủ trì tổng hợp số liệu tình hình quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại cơ quan mình, cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; thông tin của Ủy ban nhân dân cấp huyện cung cấp bao gồm thông tin của Ủy ban nhân dân cấp xã trực thuộc.
3. Triển khai quán triệt đầy đủ các quy định của pháp luật về trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao quản lý, sử dụng chứng thư số, thực hiện nhiệm vụ người ký số; cá nhân sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phải có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý trực tiếp những thông tin liên quan đến thiết bị lưu khóa bí mật như bị mất, bị hỏng vật lý, bị khóa thiết bị do nhập sai mật khẩu và các trường hợp mất an toàn thông tin khác, thông tin chuẩn bị về hưu, chuyển công tác để cơ quan kịp thời thu hồi chứng thư số theo quy định.
4. Phân công bộ phận đầu mối triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, lựa chọn cán bộ đầu mối là cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của cơ quan (nếu có), tăng cường đào tạo bộ phận đầu mối về quản lý chứng thư số chuyên dùng Chính phủ để bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại cơ quan.
5. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các văn bản quy định, các hướng dẫn của cơ quan Trung ương, Ban Cơ yếu Chính phủ, UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan triển khai các giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành có tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan nhà nước khác hoặc các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nếu có triển khai các giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành tích hợp, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:
1. Chủ trì quản lý, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, trong giao dịch điện tử của ngành mình, bảo đảm theo đúng quy định.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, thống kê, kiểm tra tình hình sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, trong giao dịch điện tử của ngành mình triển khai, bảo đảm kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Cơ yếu Chính phủ theo quy định.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp tại Quy chế này.
2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Quy chế này. Đồng thời triển khai, quán triệt Quy chế này đến các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có liên quan biết, để thực hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và thực hiện các quy định tại Quy chế này.
3. Đối với các công việc theo yêu cầu của cơ quan chủ trì cần phối hợp để giải quyết các công việc quy định tại Quy chế này, nếu cơ quan phối hợp từ chối mà không có lý do chính đáng, không cho ý kiến, hoặc cho ý kiến không bảo đảm theo yêu cầu, thì cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, xử lý.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây