Thời hạn tạm giữ bằng lái xe tối đa là 30 ngày
Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016 của Chính phủ, tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) là biện pháp ngăn chặn nhằm bảo đảm thực hiện quyết định xử phạt hoặc để xác minh tình tiết căn cứ để ra quyết định xử phạt.
Theo đó, chủ phương tiện chỉ bị tạm giữ GPLX trong các trường hợp:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;
- Để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt khi hành vi vi phạm chỉ áp dụng hình thức phạt tiền.
Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong trường hợp chỉ áp dụng phạt tiền thì CSGT có quyền tạm giữ GPLX đến khi người vi phạm thực hiện xong việc nộp phạt.
Cũng tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn tạm giữ GPLX là 07 ngày kể từ ngày tạm giữ. Thời gian này có thể bị kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày khi vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải xác minh thêm.
Đặc biệt: Việc tạm giữ GPLX của người tham gia giao thông phải được lập thành 02 bản biên bản, mỗi bên giữ 01 bản. Trong biên bản ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng và có chữ ký của CSGT, người vi phạm.
Xem thêm: Toàn bộ lỗi vi phạm khiến bạn bị tước Giấy phép lái xe
Quá hạn nộp phạt để lấy lại bằng lái xe, nộp bổ sung được không? (Ảnh minh họa)
Nộp phạt quá trễ, có lấy lại được bằng lái xe không?
Việc tạm giữ GPLX không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng giấy phép của người vi phạm. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn mà không đến giải quyết và vẫn tiếp tục điều khiển xe thì sẽ bị phạt như không có giấy tờ xe (Căn cứ khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP):
- Xe máy: 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng;
- Ô tô: Từ 04 - 06 triệu đồng.
Như vậy, nếu muốn được sử dụng xe để tham gia giao thông thì người vi phạm nên nộp phạt đúng hạn như trên biên bản. Nếu không có lý do chính đáng, người có thẩm quyền phải xử lý GPLX theo Điều 17 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP:
- Thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Niêm yết công khai tại trụ sở của người tạm giữ GPLX.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu người vi phạm không đến nộp phạt và nhận GPLX thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tịch thu và có thể tiêu hủy theo quy định tại Điều 109 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
Ngoài ra, trong 30 ngày thông báo công khai mà người vi phạm giao thông đến nộp phạt để nhận lại GPLX thì có thể phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp cho mỗi ngày chậm nộp.
Như vậy, nếu vi phạm giao thông, bị giữ GPLX và không nộp phạt đúng hạn mà không có lý do chính đáng thì vẫn có thể được lấy lại GPLX. Tuy nhiên, lúc này, người vi phạm phải nộp thêm số tiền chậm nộp phạt cho mỗi ngày chậm nộp.
Bởi vậy, phương án tốt nhất để tiết kiệm tiền bạc, thời gian là mọi người khi ra đường nên chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông. Nếu chẳng may bị tạm giữ GPLX thì cũng nên nộp phạt đúng hạn để sớm nhận lại giấy tờ.
>> Các mức phạt vi phạm giao thông 2019 theo Nghị định 46
Nguyễn Hương