Cách phân biệt bằng lái xe thật giả và mức phạt khi dùng bằng giả

Hiện nay, các loại bằng lái xe giả trên thị trường được sản xuất vô cùng tinh vi, tuy nhiên dù có giống thật đến đâu thì vẫn có thể phân biệt bằng lái xe thật giả một cách chính xác. 

Cách phân biệt bằng lái xe thật giả

Bằng lái xe hay Giấy phép lái xe là loại chứng chỉ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân được phép vận hành, điều khiển và tham gia giao thông bằng các loại xe cơ giới trên đường.

Việc có bằng lái xe không quá khó bởi những yêu cầu về tuổi tác, sức khỏe, đạt kết quả ở các bài sát hạch lý thuyết, thực hành... đều là những yêu cầu cơ bản.

Tuy nhiên vẫn còn không ít người không lấy được bằng do thi trượt hoặc không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe... nên lợi dụng vấn đề này, dịch vụ mua bán, làm bằng giả xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến.

Các loại bằng lái xe giả trên thị trường được sản xuất vô cùng tinh vi, dù vậy vẫn có thể kiểm tra, phân biệt bằng lái xe thật giả bằng cách:

Kiểm tra bằng mắt thường

Đây là cách phân biệt bằng lái xe thật giả đơn giản và nhanh chóng nhất nhưng mức độ chính xác lại không cao. Sau đây là một số đặc điểm của bằng lái xe loại mới để phân biệt với bằng giả:

- Bằng lái xe thật được làm từ chất liệu PET, hoa văn màu vàng rơm, kích thước: 85,6 x 53,98 x 0,76 mm theo Tiêu chuẩn ICAO loại ID-1 được nêu tại phụ lục ban hành kèm Thông tư 01/2021/TT-BGTVT.

- Bằng lái xe thật có nội dung gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạn sử dụng, hạng lái xe…. bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh. Trong đó, có hai loại màu mực được sử dụng trên giấy phép lái xe:

  • Màu đỏ: Dùng để in các thông tin "GIẤY PHÉP LÁI XE/ DRIVER’S LICENSE", "CÁC LOẠI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ ĐƯỢC ĐIỀU KHIỂN", chữ "Số/No." và " Ngày trúng tuyển".
  • Màu đen: Dùng để in các thông tin còn lại.

- Ngoài việc sử dụng công nghệ chống làm giả truyền thống, bằng lái xe loại mới còn được áp dụng công nghệ Hologram công nghệ mới (3D để phát sáng cực tím) và công nghệ IPI (để mã hóa).

Đồng thời, bằng lái xe thật có mã QR hai chiều để đọc, giải mã nhanh thông tin và liên kết với hệ thống quản lý thông tin giấy phép lái xe.

- Ảnh người lái xe được chụp trên nền màu xanh da trời, được in trực tiếp trên bằng lái xe.

- Trên hai mặt bằng lái xe sẽ có lớp màn phủ bảo an và phôi của bằng lái xe được làm bằng vật liệu PET hoặc tương đương, có hoa văn màu vàng rơm và các ký hiệu bảo mật khác.

- Tem dán hình tròn trên góc phía dưới bên phải của ảnh được scan trên giấy phép lái xe khi ta nhìn nghiêng sẽ thấy chữ “Đường bộ Việt Nam” lấp lánh trên tem, nếu là giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp thì không thấy.

Đặc biệt, có một điều thú vị về giấy phép lái xe thật là số thứ tự và số thứ năm của số giấy phép lái xe trùng với hai số cuối của năm trúng tuyển giấy phép lái xe. Ví dụ: Năm trúng tuyển 2019 thì số GPLX sẽ là 01219358956.

Kiểm tra bằng tin nhắn

Để phân biệt bằng lái xe thật giả qua tin nhắn, soạn tin theo cú pháp: TC [dấu cách] [Số GPLX] [Số Seri] rồi gửi đến số 0936 081 778 hoặc 0936 083 578.

Lưu ý, cách này chỉ dành cho bằng lái loại mới làm bằng vật liệu PET.

Sau khi gửi tin nhắn, hệ thống sẽ tự động phản hồi các thông tin về bằng lái xe cần tra cứu đến điện thoại của bạn bao gồm: Hạng bằng lái, số seri, ngày hết hạn, lỗi vi phạm giao thông (nếu có). Nếu là bằng lái xe giả thì sẽ không có các thông tin này.

Kiểm tra qua Internet

Bước 1: Truy cập vào trang tra cứu: https://gplx.gov.vn/

Đây là trang thông tin điện tử chính thức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tra cứu bằng lái xe, dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Giao thông vận tải.

Bước 2: Điền đầy đủ thông tin

Tại mục tra cứu thông tin bằng lái xe ở góc phía trên phải màn hình, bạn cần nhập đầy đủ thông tin gồm:

- Loại bằng lái xe: Bạn chọn mục tương ứng với bằng lái xe đang cần kiểm tra: bằng lái xe PET (có thời hạn):
  • Bao gồm các loại bằng lái xe hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FE, FD
  • Bằng lái xe PET (không thời hạn) bao gồm các loại bằng hạng A1, A2, A3
  • Bằng lái xe cũ (làm bằng giấy bìa): Nếu bằng lái của bạn được cấp trước tháng 7/2013, giấy phép lái xe cũ bằng giấy ép nhựa bên ngoài.
- Số bằng lái xe: Là dãy số đỏ ngay bên dưới dòng chữ BẰNG LÁI XE /DRIVER’S LICENSE. Nhập đầy đủ dãy số bao gồm cả các ký tự chữ (nếu có).

- Ngày/tháng/năm sinh:

  • Bằng lái xe PET: Nhập ngày sinh theo cú pháp: yyyyMMdd (nghĩa là năm - tháng - ngày viết liền nhau). Ví dụ: Sinh ngày 19/02/1993 thì nhập vào dãy số 19930219.
  • Bằng lái xe cũ: Chỉ cần nhập vào năm sinh. Ví dụ: Sinh ngày 20/11/1981 thì nhập vào số 1981.
- Nhập mã bảo vệ: Mã bảo vệ theo các ký tự hiển thị.

Bước 3: Ấn nút và kiểm tra thông tin. Hệ thống sẽ trả về kết quả như sau:

  • Trường hợp 1: Nếu hiện đầy đủ và đúng với thông tin về bằng lái xe tra cứu như họ, tên, hạn xe số seri, ngày trúng tuyển, ngày cấp và ngày hết hạn, nơi cấp thì đây là bằng lái xe thật.

  • Trường hợp 2: Thông tin trả về không trùng khớp với bằng lái xe thì đây là bằng lái xe giả.

  • Trường hợp 3: Hệ thống báo “Không tìm thấy số bằng lái xe đã nhập” thì có khả năng đây là bằng giả hoặc nếu chưa được cập nhật trong cơ sở dữ liệu. Do đó, nếu thuộc trường hợp này, người yêu cầu phải kiểm tra bằng các cách khác.

Dùng bằng lái xe giả bị phạt như thế nào?

Theo Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, bằng lái xe hợp lệ phải được cấp bởi Cục Đường bộ Việt Nam (Cấp bằng lái xe trong phạm vi cả nước) hoặc Sở Giao thông Vận tải (Cấp bằng lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

Nếu không được cấp bởi các cơ quan này, bằng lái xe bị coi là bằng giả và có thể bị xử phạt hành chính về lỗi sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tùy vào loại phương tiện điều khiển, tài xế sẽ bị phạt như sau:

Loại phương tiện

Mức phạt

Xe mô tô hai bánh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự

01 - 02 triệu đồng

(Điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP)

Tịch thu Giấy phép lái xe giả

(Điểm a khoản 10 Điều 21 Nghị định 100/2019, sửa bởi Nghị định 123/2021)

Xe mô tô hai bánh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh

04 - 05 triệu đồng

(Điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021)

Xe ô tô, máy kéo và các xe tương tự xe ô tô

10 - 12 triệu đồng

(Điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021)

Ngoài ra, người vi phạm sẽ không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm kể từ ngày phát hiện vi phạm (theo quy định tại điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT).

Trên đây là cách phân biệt bằng lái xe thật giả và mức phạt khi dùng bằng giả. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ:  1900.6192  để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục