1. Hiện nay đã có những dịch vụ công nào được thực hiện qua VNeID?
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công an, hiện nay ứng dụng VNeID đã cung cấp 09 tiện ích để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới sẽ có thêm 23 tiện ích khác được cung cấp.
Tài khoản định danh điện tử mức 1 trên VNeID đã tích hợp các thông tin, dịch vụ công sau đây:
Tích hợp thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư;
Đăng nhập và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến;
Thực hiện thông báo lưu trú;
Phản ánh, kiến nghị về an ninh trật tự: Tố giác 17 loại tội phạm;
Nhận thông báo giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi;
Dịch vụ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng;
Nhận cảnh báo hết hạn thẻ Căn cước công dân gắn chip;
Cập nhật các thông tin, tin tức, cảnh báo thủ đoạn tội phạm;
Chia sẻ dữ liệu công dân thông qua việc xuất trình thông tin được tích hợp trực tiếp trên VNeID.
Đối với tài khoản điện tử mức 2, người dân còn được tích hợp thêm thông tin từ thẻ bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe các loại... để sử dụng thay cho giấy tờ bản cứng.
Ngoài ra, chủ tài khoản định danh mức 2 còn có thể sử dụng VNeID để khai báo thông tin cư trú, khai báo thông tin người phụ thuộc nộp thuế, xin cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Hà Nội và Thừa Thiên - Huế là 02 địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm cấp lý lịch tư pháp trực tuyến thông qua khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID.
Theo đó, người dân thay vì phải làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp tại các Sở Tư pháp thì có thể ngồi ở nhà hay bất cứ bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet đều dễ dàng đăng ký cấp phiếu này.
2. Sắp tới sẽ có những dịch vụ công nào được thực hiện qua VNeID?
Theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử ban hành tại Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ứng dụng VNeID được định hướng phát triển thêm các dịch vụ như:
Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử, điện, nước, chứng khoán... lên ứng dụng VNeID.
Triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng như mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử... và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác.
Tại Thông báo 238/TB-VPCP ngày 22/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tích hợp thông tin tài khoản khách hàng qua thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Qua đó tiến hành ứng dụng VNelD để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội, thất nghiệp, thiên tai, bệnh dịch,... thanh toán không dùng tiền mặt.
3. Có bắt buộc phải đăng ký VNeID không?
Hiện nay, không có quy định nào bắt buộc người dân phải đăng ký, sử dụng VNeID.
Tuy nhiên, Công an cả nước đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án phát triển định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đề án này đề ra mục tiêu:
- Giai đoạn 2023 - 2025: Đạt 40 triệu tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.
- Giai đoạn 2025 - 2030: Đạt 60 triệu tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.
Trên đây là thông tin về: Những dịch vụ công nào được thực hiện qua VNeID?