Nhà đã bán nhưng vẫn còn hộ khẩu có bị xóa khẩu không?

Nhà đã bán nhưng vẫn còn hộ khẩu là tình huống mà rất nhiều người gặp phải. Hãy theo dõi bài viết để nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này.

Nhà đã bán nhưng vẫn còn hộ khẩu có bị xóa khẩu không?

Điều 24 Luật Cư trú 2020 quy định người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú hay còn gọi là xóa hộ khẩu:

- Người đã chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú do đăng ký thường trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện;

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp:

  • Xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư

  • Đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

- Đã thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, người đã đăng ký thường trú tại nhà ở do mình sở hữu mà sau đó bán nhà sẽ bị xóa hộ khẩu nếu:

- Sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà mà chưa đăng ký thường trú mới;

- Không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Để không bị xóa hộ khẩu sau khi bán nhà, người chủ cũ có thể:

- Thỏa thuận với chủ sở hữu mới của ngôi nhà, cho phép mình giữ đăng ký thường trú tại địa chỉ đó sau khi bán nhà.

- Thay vì bị xóa hộ khẩu thì chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới bằng cách đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Có thể thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác để xin nhập hộ khẩu vào đó hoặc mua nhà mới.

Nhà đã bán nhưng vẫn còn hộ khẩu có bị xóa khẩu không?
Nhà đã bán nhưng vẫn còn hộ khẩu có bị xóa khẩu không? (Ảnh minh họa)

Hướng dẫn chuyển hộ khẩu sang nhà mới

Giấy tờ cần chuẩn bị

Điều 21 Luật Cư trú quy định về hồ sơ đăng ký thường trú như sau:

* Hồ sơ đăng ký thường trú tại nhà thuộc quyền sở hữu của mình:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp:

  • Giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà/tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

  • Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;

  • Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

  • Giấy tờ về mua, thuê mua nhà ở phù hợp với pháp luật về đất đai và nhà ở;

  • Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc chuyển nhượng nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Căn cứ Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP.

* Hồ sơ đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ:

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

  • Hợp đồng/văn bản về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã được công chứng hoặc chứng thực;

  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Cách thức nộp hồ sơ

- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

- Nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Lệ phí

Theo quy định tại Thông tư 75/2022/TT-BTC, lệ phí đăng ký thường trú trực tiếp là 20.000 đồng/lần, đăng ký trực tuyến là 10.000 đồng/lần.

Thời gian giải quyết

Tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú.

Trên đây là thông tin về vấn đề nhà đã bán nhưng vẫn còn hộ khẩu. Nếu vướng mắc liên quan, bạn đọc gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được tư vấn nhanh nhất.

Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục