Vi phạm hành chính là dạng vi phạm phổ biến nhất trong các vi phạm pháp luật nói chung. Trường hợp vi phạm hành chính, cụ thể là vi phạm giao thông, người vi phạm có được viết ý kiến vào biên bản vi phạm không?
Nội dung của biên bản vi phạm giao thông
Biên bản hành chính cũng như biên bản vi phạm giao thông về cơ bản phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
- Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;
- Họ, tên, chức vụ người lập biên bản;
- Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
- Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Hành vi vi phạm;
- Biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý;
- Tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ;
- Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm;
- Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ;
- Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm;
- Cơ quan tiếp nhận giải trình.
Cụ thể, mẫu biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt - mẫu MBB 01 được ban hành kèm theo Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT.
Người vi phạm có được viết ý kiến vào biên bản vi phạm giao thông? (Ảnh minh họa)
Có được viết ý kiến vào biên bản vi phạm giao thông?
Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm không lập biên bản.
Đồng thời, khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định rõ người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản và ghi rõ lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.
Theo đó, người thi hành công vụ lập biên bản và là người ghi các nội dung trong biên bản bao gồm cả lời khai (trong mẫu biên bản vi phạm hành chính để là ý kiến trình bày) của cá nhân vi phạm/đại diện tổ chức vi phạm.
Đồng nghĩa với việc, cá nhân/đại diện tổ chức vi phạm có ý kiến thì người lập biên bản vi phạm ghi vào biên bản ý kiến của họ. Luật không quy định cá nhân/tổ chức vi phạm được tự ghi vào viên bản vi phạm hành chính và cũng đã giao quyền này cho người có thẩm quyền. Ở đây, cần phân biệt "quyền có ý kiến và quyền ghi ý kiến" là hoàn toàn khác nhau.
Bên cạnh đó, Điều 15 và Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nêu rõ, cá nhân, đại diện tổ chức vi phạm không đồng ý với việc xử phạt vi phạm hành chính có quyền có ý kiến thông qua hình thức khiếu nại, giải trình đối với quyết định xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực bao lâu?
>> Biên bản vi phạm giao thông có cần đóng dấu không?
>> Không ký biên bản vi phạm giao thông không phải nộp phạt?