Dùng Chứng minh nhân dân cần biết 8 thông tin quan trọng này

Hiện nay, nước ta đã dừng cấp Chứng mình nhân dân và chỉ cấp mới thẻ Căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người đang tiếp tục sử dụng Chứng minh nhân dân. Sau đây là 8 điều người đang dùng Chứng minh nhân dân phải biết để hiểu rõ về loại giấy tờ này.

1. Chứng minh nhân dân là gì?

Chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và xác nhận về thông tin cơ bản, đặc điểm nhận dạng và lai lịch của người được cấp.

2. Bao nhiêu tuổi được cấp CMND?

Trước đây, khi cả nước vẫn còn cấp CMND, Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định, Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND theo quy định.

3. Các loại CMND đã được cấp và sử dụng

Từ lần đầu tiên được cấp vào năm 1957, CMND đã được thay đổi đến 06 lần. Cho đến nay, có 02 loại CMND vẫn còn được sử dụng là CMND 9 số và CMND 12 số.

3.1. CMND 9 số

chung minh nhan dan
Chứng minh nhân dân 9 số (Ảnh minh họa)

- Mặt trước:

  • Bên trái từ trên xuống là hình Quốc huy Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 1,9cm; ảnh của người được cấp CMND cỡ 3 x 4 cm; thời hạn giá trị sử dụng CMND.
  • Bên phải từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ "Chứng minh nhân dân" (màu đỏ); số; họ tên khai sinh; giới tính; tên thường gọi; sinh ngày, tháng, năm; nguyên quán; nơi thường trú.

Mặt sau :

  • Bên trái: Có 02 ô, ô trên vân tay ngón trỏ trái, ô dưới vân tay ngón trỏ phải.
  • Bên phải từ trên xuống: Họ tên bố; họ tên mẹ; đặc điểm nhận dạng; ngày, tháng, năm cấp; chức danh người cấp ký tên và đóng dấu.

3.2. CMND 12 số

chung minh nhan dan
Chứng minh nhân dân 12 số (Ảnh minh họa)

CMND 12 số được cấp lần đầu tiên năm 2012, cũng là lần đầu tiên ảnh của công dân được in trực tiếp trên thẻ, có mã vạch 2 chiều.

Cụ thể, CMND có hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt in hoa văn màu xanh trắng nhạt.

- Mặt trước:

  • Bên trái, từ trên xuống: Hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm).

  • Bên phải, từ trên xuống: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ ''Chứng minh nhân dân'' (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

- Mặt sau:

  • Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 02 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải.
  • Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngày, tháng, năm cấp CMND; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.

4. Thời hạn sử dụng của CMND

Căn cứ theo Nghị định 05/1999 và Nghị định 170/2007/NĐ-CP thì cả CMND 9 số và 12 số đều có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

5. Các trường hợp phải đổi CMND sang thẻ CCCD gắn chip

Hiện nay, nước ta đã dừng cấp CMND và thay bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Sau đây là 06 trường hợp người dân bắt buộc phải CMND sang thẻ CCCD gắn chip.

Căn cứ Luật Căn cước công dân 2014 và Nghị định 05/1999, có 06 trường hợp công dân phải đổi CMND sang thẻ CCCD gắn chip:

5.1. CMND hết hạn

Sau 15 năm kể từ ngày cấp, CMND sẽ hết giá trị sử dụng. Các giao dịch, thủ tục sử dụng CMND hết hạn sẽ cũng không được pháp luật công nhận.

5.2. CMND bị hư hỏng không sử dụng được

CMND bị coi là hư hỏng, không sử dụng được là CMND bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ hoặc quá cũ nát, không xác định được nội dung.

5.3. Thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh

Họ tên, ngày tháng năm sinh là nhưng thông tin cơ bản nhất của một công dân. Khi thay đổi họ tên hoặc ngày tháng năm sinh thì công dân cũng phải thay đổi thông tin trên giấy tờ nhân thân để sử dụng thống nhất trong các giao dịch, thủ tục hành chính.

5.4. Thay đổi nơi thường trú

Khi thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đây thì công dân phải đổi CMND cũ sang CCCD để cập nhật thông tin.

5.5. Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Đặc điểm nhận dạng là một trong những thông tin vô cùng quan trọng trên CMND, dùng để phân biệt đâu là người sử dụng CMND. Hầu hết đặc điểm nhận dạng ghi trên CMND thường là vết sẹo hoặc nốt ruồi…

5.6. Mất CMND

Hiện nay, hầu hết các giao dịch, thủ tục hành chính đều cần sử dụng một loại giấy tờ nhân thân để đối chiếu, ghi nhận về một người. Nếu mất CMND, công dân nên làm thủ tục cấp CCCD nhanh nhất để không ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc hàng ngày.

dang dung chung minh nhan dan

6. Thủ tục đổi CMND sang CCCD gắn chip

6.1. Trình tự, thủ tục

Căn cứ Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, trình tự, thủ tục đổi CMND sang CCCD gắn chip thực hiện như sau

Bước 1: Người dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân hoặc khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận đề nghị tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì công dân phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân.

Bước 3:

Trường hợp công dân đủ điều kiện, thủ tục thì cán bộ cơ quan quản lý CCCD chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD để in trên Phiếu thu nhận thông tin CCCD.

Cán bộ cơ quan quản lý CCCD thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay, chụp ảnh chân dung, thu lệ phí cấp thẻ theo quy định.

Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân

Công dân nhận giấy hẹn trả kết quả và nhận kết quả theo giấy hẹn.

6.2. Lệ phí

Theo khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân, người dân được miễn phí khi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip.

6.3. Thời hạn giải quyết

Thời hạn giải quyết thủ tục đổi từ CMND sang CCCD gắn chip tối đa là 08 ngày làm việc (theo Điều 11 Thông tư 60/2021/TT-BCA).

7. Trường hợp được cấp Giấy xác nhận số CMND

Theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2021 của Bộ Công an, mã QR code trên thẻ CCCD có lưu thông tin về số CCCD, số CMND. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số Căn cước công dân, số CMND của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số CMND, CCCD.

Theo đó, từ ngày này, người dân không cần xuất trình Giấy xác nhận số CMND khi mã QR trên thẻ CCCD đã có các thông tin nêu trên.

Đặc biệt, chỉ trong trường hợp mã QR code trên thẻ CCCD không có thông tin về số CMND, số CCCD cũ cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND, số CCCD cũ cho công dân khi có yêu cầu.

Trường hợp thông tin số CMND, số CCCD cũ của công dân không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân phải cung cấp bản chính hoặc bản sao thẻ CCCD, bản sao CMND (nếu có).

Cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp thẻ CCCD tiến hành tra cứu, xác minh qua tàng thư CCCD, giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể hiện thông tin số CMND, số CCCD để xác định chính xác nội dung thông tin.

Trường hợp có đủ căn cứ thì cấp Giấy xác nhận số CMND, số CCCD cho công dân, trường hợp không có căn cứ để xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời hạn cấp Giấy xác nhận số CMND, số CCCD tối đa không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Công dân có thể đăng ký cấp Giấy xác nhận số CMND, số CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an tại bất kỳ cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD khi công dân có thông tin số CMND, số CCCD trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

8. Các lỗi vi phạm khi sử dụng CMND bị phạt hành chính

8.1. Không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Không xuất trình CMND, CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

- Không thực hiện đúng quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD;

- Không nộp lại CMND, CCCD cho cơ quan có thẩm quyền khi thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại CMND, CCCD cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

8.2. Tẩy xóa, sửa chữa CMND

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021, hành vi tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của CMND, CCCD có thể bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng cho các hành vi khác như chiếm đoạt, sử dụng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.

8.3. Cầm cố, thế chấp CMND

Khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021 quy định, phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

- Làm giả CMND, CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng CMND, CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND giả;

- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố CMND, CCCD;

- Mua, bán, thuê, cho thuê CMND, CCCD;

- Mượn, cho mượn CMND, CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Nếu có băn khoăn về thẻ Chứng minh nhân dân, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192  để được giải đáp nhanh nhất.

Đánh giá bài viết:
(9 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục