Tết Nguyên đán, chơi đào rừng sẽ bị phạt?

Mới đây, tại hội nghị của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người dân không chặt đào rừng để chơi Tết. Vậy, người chặt bán hay người mua đào rừng sẽ bị xử lý thế nào?

Chặt đào rừng bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hành vi khai thác lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan có thẩm quyền, bị xử phạt như sau:

1. Khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất, đối với gỗ loài thông thường:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên;

- Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên…

2. Khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, đối với gỗ loài thông thường:

- Phạt tiền từ 01 - 04 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,3 m3 gỗ rừng tự nhiên;

- Phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,5 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên...

3. Khai thác trái pháp luật rừng đặc dụng, đối với gỗ loài thông thường:

- Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,3 m3 gỗ rừng tự nhiên;

- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,5 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên...

4. Khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ loài thông thường; than hầm, than hoa:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá dưới 01 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá từ 01 triệu đồng đến dưới 02 triệu đồng…

Mức phạt cao nhất với các hành vi trên là 100 triệu đồng. Nếu giống gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì mức phạt có thể lên đến 120 triệu đồng.

Trường hợp khai thác trái pháp luật đối với cây thân gỗ có đường kính tại vị trí 1,3 m dưới 8 cm, không xác định được khối lượng thì đo diện tích rừng bị chặt phá để xử phạt theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này (Điều 20 quy định mức phạt hành vi phá rừng trái pháp luật, bị xử phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng).

Đối với hành vi khai thác trái pháp luật cây phân tán không tính được diện tích thì đếm số cây bị khai thác để xử phạt, cứ mỗi cây 100.000 đồng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Kết luận: Tùy thuộc vào diện tích đào rừng bị chặt, loại gỗ, loại rừng khai thác mà người chặt đào rừng có mức phạt khác nhau. Tuy nhiên, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Đối với các hành vi chặt đào rừng nhỏ, lẻ, tự phát thì mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng.

mua dao rung co bi phat khong
Người chặt/mua đào rừng có bị phạt không? (Ảnh minh họa)

Chặt đào rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định Tội hủy hoại rừng như sau:

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);

d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
...

Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù 07 - 15 năm.

Như vậy, đối với hành vi chặt phá đào rừng với diện tích lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mua, bán đào rừng cũng vi phạm pháp luật

Hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật hiện nay quy định mức phạt tại Điều 23 Nghị định 35/2019.

Cụ thể, phạt tiền từ 05 - 15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, mua, bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó, trong trường hợp:

- Gỗ thuộc loài thông thường dưới 02 m3;

- Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA dưới 01 m3;

- Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA dưới 0,2 m3;

- Thực vật rừng ngoài gỗ trị giá dưới 15 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất của điều này là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, thông thường khi mua đào rừng chơi Tết, người mua thường mua với số lượng ít nên chỉ bị phạt ở mức 05 - 15 triệu đồng.

Với số lượng mua đào rừng trái pháp luật lớn, mức phạt có thể cao hơn.

Trên đây là quy định về mức phạt đối với hành vi mua bán đào rừng trái phép. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân chứng minh cư trú bằng cách nào?

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân chứng minh cư trú bằng cách nào?

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân chứng minh cư trú bằng cách nào?

Hiện nay, người dân thường sử dụng sổ hộ khẩu thể hiện một số thông tin về nơi đăng ký thường trú, nhân thân của công dân như tên tuổi, mối quan hệ với chủ hộ, các thành viên trong gia đình…. Vậy, khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy thì người dân sẽ chứng minh nơi cư trú và các mối quan hệ gia đình như thế nào?