Nâng hạng bằng lái xe: Điều kiện và thủ tục thực hiện

Theo pháp luật hiện hành, người tham gia giao thông chỉ được điều khiển phương tiện phù hợp với loại bằng lái xe được cấp. Vì vậy, nếu muốn điều khiển các loại xe khác ngoài phạm vi bằng lái được cấp, người tài xế sẽ phải thực hiện việc nâng hạng bằng lái của mình.


Điều kiện nâng hạng bằng lái xe mới nhất

Căn cứ khoản 3 và khoản 4 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, để nâng hạng bằng lái xe, người học phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

Hạng

Thời gian lái xe/hành nghề an toàn

Số km lái xe an toàn

Hạng B1 số tự động lên B1

Từ 01 năm trở lên

12.000 km

Hạng B1 lên B2

Từ 01 năm trở lên

12.000 km

Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E

Từ 03 năm trở lên

50.000 km

Hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng

Hạng D, E lên FC

Hạng B2 lên D, C lên E

Từ 05 năm trở lên

100.000 km

Lưu ý:

- Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Xem thêm: Danh sách các loại bằng lái xe và thời hạn sử dụng


nang hang bang lai xe
Những điều cần biết nâng hạng bằng lái xe (Ảnh minh họa)


Hướng dẫn thủ tục nâng hạng bằng lái xe

Để nâng hạng bằng lái xe, người dân phải tiến hành việc học nâng hạng và thi sát hạch nâng hạng bằng lái như sau:

* Về học nâng hạng bằng lái xe

- Hồ sơ học nâng hạng bằng lái:

+ Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định.

+ Bản sao giấy chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu còn thời hạn (với người Việt Nam); hộ chiếu còn thời hạn (với người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

+ Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài.

+ Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

+ Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật.

+ Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch).

Căn cứ: Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

- Nơi nộp: Người dân lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo lái xe.

Chú ý: Người học lái xe khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

- Thời gian đào tạo nâng hạng bằng lái xe:

+ Hạng B1 (số tự động) lên B1: 120 giờ (thực hành: 120).

+ Hạng B1 lên B2: 94 giờ (lý thuyết: 44, thực hành lái xe: 50).

+ Hạng B2 lên C: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144).

+ Hạng C lên D: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144).

+ Hạng D lên E: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144).

+ Hạng B2 lên D: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành lái xe: 280).

+ Hạng C lên E: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành lái xe: 280).

+ Hạng B2, D, E lên F tương ứng: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144).

+ Hạng C, D, E lên FC: 272 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 224).

Căn cứ: Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

- Cấp chứng chỉ đào tạo nâng hạng: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và vượt qua các bài kiểm tra trong quá trình học thì được cấp chứng chỉ đào tạo nâng hạng.

- Chí phí học nâng hạng: Phụ thuộc vào từng cơ sở đào tạo lái xe và từng hạng bằng lái xe.

* Về thi sát hạch nâng hạng bằng lái xe

- Hồ sơ dự thi sát hạch nâng hạng bằng lái: Do cơ sở đào tạo lái xe lập.

+ Bộ hồ sơ học nâng hạng bằng lái nêu trên.

+ Chứng chỉ đào tạo nâng hạng.

+ Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.

Căn cứ: Khoản 2 Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

- Nơi nộp: Cơ sở đào tạo lái xe nộp 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

- Chí phí sát hạch nâng hạng bằng lái xe:

Theo Biểu mức thu phí sát hạch lái xe ban hành kèm theo Thông tư 188/2016/TT-BTC, người dự thi nâng hạng bằng lái xe phải nộp phí sát hạch như sau:

Nội dung thi sát hạch lái xe hạng xe B1, B2, C, D, E, F

Mức phí

Sát hạch lý thuyết

90.000 đồng/lần

Sát hạch thực hành trong hình

300.000 đồng/lần

Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng

60.000 đồng/lần

* Về việc cấp Bằng lái xe

Học viên đạt tất cả các nội dung thi sát hạch được công nhận trúng tuyển và cấp bằng lái xe theo hạng đã sát hạch.

- Lệ phí cấp bằng phép lái xe: 135.000 đồng/lần.

- Thời gian cấp bằng lái xe: Chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.

Xem thêm: 3 khoản tiền phải nộp khi thi bằng lái xe

Trên đây là những thông tin quan trọng về việc nâng hạng bằng lái xe. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Giấy phép lái xe các hạng: 10 thông tin quan trọng cần biết

>> Độ tuổi thi bằng lái xe của từng hạng tại Việt Nam

>> Thủ tục cấp lại Giấy phép lái xe mới nhất

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Hướng dẫn cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tích hợp tiện ích mua thuốc trực tuyến trên VNeID - một trong những cấu phần quan trọng trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc cách mua thuốc trực tuyến trên VNeID từ 01/01/2025 ngay tại bài viết dưới đây.