Xe quá khổ là gì?
Theo Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe quá khổ giới hạn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ, cụ thể như sau:
- Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe;
- Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;
- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).
Đối với xe máy chuyên dùng có kích thước bao ngoài vượt quá kích thước tối đa cho phép như quy định trên khi tham gia giao thông trên đường bộ được coi là xe quá khổ giới hạn.
Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, người vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện chỉ được lưu hành xe quá khổ giới hạn trên đường bộ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có Giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành xe.
Các hành vi chở quá khổ giới hạn khác đều sẽ bị xử phạt.
Mức phạt xe quá khổ mới nhất (Ảnh minh họa)
Mức phạt xe quá khổ
Mức xử phạt mới nhất đối với xe chở hàng quá khổ được quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-PC:
Theo đó, hành vi chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành hoặc điều khiển xe chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường tham gia giao thông, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng, sẽ bị phạt tiền từ 08 - 10 triệu đồng.
Người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng;
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện chở hàng hóa quá khổ mà gây hư hại cầu, đường còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra.