Thủ tục mua xe trả góp và các lưu ý khi mua

Hiện nay, tùy thuộc vào mỗi hãng xe hay mỗi ngân hàng mà thủ tục mua xe trả góp cũng có sự khác nhau. LuatVietnam giới thiệu thủ tục mua xe trả góp chung nhất.

Lưu ý khi muốn mua xe trả góp

Để không bị bỡ ngỡ khi mua xe trả góp, trước khi mua xe bạn cần biết những thông tin sau:

Các hình thức vay trả góp

Hiện nay, có 2 hình thức vay trả góp chủ yếu. Đó là vay tín chấp và vay thế chấp.

- Vay tín chấp: Vay dựa trên uy tín. Với hình thức này, người vay tiến hành làm thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn nhưng lại có lãi suất cao.

- Vay thế chấp: Vay dựa trên tài sản thế chấp. Hình thức vay này được vay nhiều hơn vay thế chấp và lãi suất vay thấp hơn, tuy nhiên, thủ tục khá rườm rà và phức tạp.

Khi mua xe trả góp, hình thức được sử dụng phổ biến nhất là sử dụng chính chiếc xe chuẩn bị mua để thế chấp (vay thế chấp). Thông thường với xe mới, chủ xe có thể vay được đến 90% giá trị xe, tùy ngân hàng và thời điểm. Thời gian vay có thể kéo dài từ 5 - 7 năm.

Đối với xe cũ, giá trị và thời gian vay sẽ thấp hơn, thường chỉ được vay khoảng 50% giá trị xe với thời gian vay chỉ từ 3 - 5 năm.

Ngoài ra, người dân cũng có thể vay bù đắp. Nghĩa là người đi vay dùng một tài sản khác như nhà đất để thế chấp mua xe.

Cần chú ý lãi suất mua xe trả góp

Nếu bạn có ý định mua xe trả góp cần lên kế hoạch trả nợ chi tiết để lựa chọn các gói lãi suất cho phù hợp nhằm tối ưu nhất việc trả nợ. Nếu bạn có thể trả nợ trong thời gian ngắn, nên chọn gói ưu đãi lãi suất trong những năm đầu năm đầu, sau đó lãi suất thả nổi (lãi suất thả nổi khá cao, tuy nhiên, thời gian này trong kế hoạch người mua đã trả xong nợ).

Nếu bạn cần nhiều thời gian để trả nợ nên chọn gói vay có lãi suất ổn định trong suốt thời kỳ vay.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý về mức phí phạt trả gốc trước hạn. Tức là, nếu trả sớm hơn so với thỏa thuận, bạn sẽ bị phạt. Mỗi ngân hàng sẽ có mức phạt khác nhau thường dao động từ 1 - 4% và giảm dần theo năm. Một số ngân hàng còn có quy định phạt cho trường hợp tất toán trước thời gian ưu đãi của khoản vay.

mua xe tra gop
Thủ tục mua xe trả góp và các lưu ý khi mua (Ảnh minh họa)

Thủ tục mua xe trả góp quy định thế  nào?

Điều kiện được vay mua xe trả góp

Để được vay trả góp là chủ xe cần có các điều kiện sau:

- Có tài sản thế chấp hoặc thế chấp bằng chiếc xe;

- Chứng minh được khả năng tài chính để trả nợ như chứng minh thu nhập (Hợp đồng lao động, bảng lương, sổ tiết kiệm…); chứng minh tài sản (đất đai, nhà cửa)…

- Có giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân.

Thủ tục mua xe trả góp

Bước 1: Sau khi lựa chọn được chiếc xe muốn mua, bạn cần lựa chọn ngân hàng hoặc Công ty tài chính uy tín để vay vốn mua xe trả góp (dựa vào giới thiệu của nhân viên bán xe để biết các ngân hàng, công ty có liên kết).

Gặp nhân viên tín dụng để biết về các gói vay và lựa chọn hình thức vay, gói vay.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ

- Đơn xin vay vốn và phương án trả lãi (mẫu do bên cho vay cung cấp).

- Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân; Hộ khẩu; Giấy chứng nhận độc thân/đăng ký kết hôn.

Các loại giấy tờ chứng minh thu nhập như:

+ Cá nhân: Hợp đồng lao động, bảng lương, sổ tiết kiệm...

+ Doanh nghiệp: Đăng ký kinh doanh; Báo cáo tài chính, báo cáo thuế, bảng lương, bảng chia lợi nhuận công ty…

Bước 3: Ngân hàng thẩm định hồ sơ

Sau khi nhận được hồ sơ, Ngân hàng thẩm định hồ sơ mà bạn cung cấp. Nếu hồ sơ bạn được ngân hàng duyệt cho vay thì Ngân hàng sẽ thông báo bảo lãnh khoản vay.

Bạn nộp bảo lãnh và 1 khoản tiền đối ứng cho đại lý bán xe.

Bước 4: Đi đăng ký xe

Đại lý bán xe xuất hóa đơn và gửi hồ sơ cho bạn để đi làm thủ tục đăng ký xe

Bước 5: Ký Hợp đồng vay với ngân hàng

Khi đã nhận được biển số xe và bản gốc giấy đăng ký xe, bạn phải đến ngân hàng để ký hợp đồng tín dụng. Ngân hàng sẽ cấp cho bạn bản sao giấy đăng ký xe và chuyển tiền cho đại lý bán xe.

Cuối cùng, bạn quay lại đại lý để nhận xe.

Trên đây là thủ tục mua xe trả góp và các lưu ý khi mua xe. Nếu có vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

>> Phân biệt vay tín chấp và vay thế chấp tại các ngân hàng

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục