Miễn thị thực là gì? Trường hợp nào được miễn thị thực?

Khi được miễn thị thực, công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có rất nhiều thuận lợi như không cần xin phép, không phải đóng phí…

Miễn thị thực là gì?

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định, thị thực hay visa là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, nhằm mục đích thể hiện sự cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Như vậy, người nước ngoài trước khi vào Việt Nam thì phải xin thị thực, nghĩa là phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.

Vậy, miễn thị thực nghĩa là người nước ngoài muốn vào Việt Nam không cần phải xin thị thực (không phải xin phép).

Khi xin cấp visa, người nước ngoài sẽ phải nộp một khoản tiền nhất định. Chẳng hạn, theo Thông tư 25/2021/TT-BTC, muốn xin cấp thị thực Việt Nam có giá trị một lần, sẽ mất 25 USD/chiếc; thị thực có giá trị trên 02 năm đến 05 năm mất phí 155 USD/chiếc… Khi được miễn thị thực, họ sẽ không cần đóng khoản tiền này.

Có nhiều lí do để một quốc gia miễn thị thực cho người nước ngoài như: do vấn đề ngoại giao, do nguyên tắc có đi có lại, do muốn thu hút khách du lịch…

mien thi thuc la gi
Bạn đã biết miễn thị thực là gì chưa? (Ảnh minh họa)
 

Trường hợp nào được miễn thị thực?

Theo Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các trường hợp được miễn thị thực gồm:

- Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

- Người nước ngoài đang sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam;

- Người nước ngoài đi vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

- Người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định. Trường hợp này, khu kinh tế này phải đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam;

- Trường hợp Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân của một số nước;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 62, Chính phủ đã đồng ý chủ trương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam trên cơ sở có đi có lại cho thành viên tổ bay của các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Họ được nhập cảnh miễn thị thực, tạm trú và đi lại trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (trừ những khu vực cấm hoặc hạn chế đi lại theo quy định của pháp luật Việt Nam) trong thời gian chờ khởi hành trở lại cùng với chuyến bay đến hoặc chuyến bay thường lệ tiếp theo. Những người này gồm:

- Thành viên tổ bay của các hãng hàng không nước ngoài không phân biệt quốc tịch trên các chuyến bay của hãng hàng không đó đến và đi từ Việt Nam.

- Thành viên tổ bay của các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại hoặc bằng các phương tiện giao thông khác để làm nhiệm vụ là thành viên tổ bay trên các chuyến bay đi từ Việt Nam.

- Thành viên tổ bay của các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến Việt Nam trên các chuyến bay của hãng với tư cách là thành viên tổ bay, sau đó xuất cảnh Việt Nam như hành khách trên các chuyến bay thương mại hoặc bằng các phương tiện giao thông khác.

 

Việt Nam miễn thị thực cho công dân nước nào?

Theo Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam, câp nhật tháng 04/2020, công dân nhiều nước không cần xin thị thực khi vào Việt Nam như: Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bê-la-rút…

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, hiện nay, Việt Nam tạm thời không cho người nước ngoài nhập cảnh để tránh lây lan dịch bệnh.

Qua bài viết trên, bạn đọc đã phần nào hiểu được miễn thị thực là gì. Nếu còn thắc mắc, liên hệ ngay 19006192 để chúng tôi hỗ trợ bạn.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục