Những ai được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông?

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 có nhiều quy định cụ thể các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông. Vậy ai sẽ được hưởng quyền lợi này?


Trường hợp được giảm một phần tiền phạt giao thông

Khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã ghi nhận cụ thể các trường hợp giảm một phần tiền phạt gồm:

* Đối với cá nhân:

Là người có đủ các điều kiện sau:

- Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền khi bị phạt tiền từ 02 triệu đồng trở lên mà đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

- Tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do các nguyên nhân trên và có xác nhận của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

* Đối với tổ chức:

Là tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền khi bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên mà đang gặp khó khăn đặc biệt/đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

- Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt/đột xuất về kinh tế do các nguyên nhân trên và có xác nhận của UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cấp trên trực tiếp.

Như vậy, nếu rơi vào các trường hợp nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông sẽ được giảm một phần tiền phạt. Tuy nhiên, mức giảm là bao nhiêu thì hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. 

Cần điều kiện gì để được miễn giảm tiền phạt giao thông? (Ảnh minh họa)


Trường hợp được miễn phần tiền phạt giao thông còn lại

Cũng theo khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, cá nhân, tổ chức nếu đã nộp một phần tiền phạt hoặc đã được giảm một phần tiền phạt cũng có thể được miễn nốt phần tiền phạt còn lại do không có khả năng nộp phạt. Cụ thể:

* Cá nhân đươc miễn phần tiền phạt giao thông còn lại:

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1 - Đã được giảm một phần tiền phạt và tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi mình học tập, làm việc.

2 - Đã nộp tiền phạt lần 01 hoặc lần 02 (nếu được nộp tiền phạt nhiều lần) nhưng gặp khó khăn đặc biệt/đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

+ Xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc.

+ Gặp khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn: Có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

* Tổ chức được miễn phần tiền phạt giao thông còn lại:

Nếu có đủ các điều kiện sau:

- Đã được giảm một phần tiền phạt hoặc đã nộp tiền phạt lần 01 hoặc lần 02 (nếu được nộp phạt nhiều lần).

- Đã thực hiện xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt.

- Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt/đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cấp trên trực tiếp.


Trường hợp được miễn toàn bộ tiền phạt giao thông

Nếu thuộc các trường hợp sau đây, cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông còn không cần nộp tiền phạt do được miễn toàn bộ tiền phạt vi phạm. Chi tiết như sau:

* Cá nhân được miễn toàn bộ tiền phạt giao thông:

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1 - Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền và tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc.

2 - Bị phạt tiền từ 02 triệu đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt/đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

+ Xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc.

+ Gặp khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn: Có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

* Tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt giao thông:

Nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

- Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền.

- Đã thực hiện xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả nêu trong quyết định xử phạt.

- Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt/đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cấp trên trực tiếp. 

Làm gì để được miễn giảm tiền phạt giao thông? (Ảnh minh họa)


Thủ tục để được miễn, giảm tiền phạt giao thông

Cá nhân, tổ chức thuộc các trường hợp được miễn, giảm tiền phạt không đương nhiên được miễn, giảm mà phải có đơn đề nghị đến người ra quyết định xử phạt.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

+ Đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt giao thông.

+ Văn bản xác nhận về việc gặp khó khăn về kinh tế của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Người nhận giải quyết đơn đề nghị: Người đã ra quyết định xử phạt vi phạm (cá nhân, tổ chức xem trên quyết định xử phạt mà mình được nhận).

Thời gian giải quyết: Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, người ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông sẽ xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người vi phạm biết. Nếu không đồng ý giảm, miễn tiền phạt thì phải nêu rõ lý do.

Căn cứ: Khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Trên đây là toàn bộ các trường hợp được miễn giảm tiền phạt giao thông. Nếu còn thắc mắc xung quan quy định này, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông để không bị phạt

>> Không nộp phạt vi phạm giao thông có sao không?

>> Cách nộp phạt vi phạm giao thông đơn giản không cần đến Kho bạc

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục