Khi nào được miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính?

Vì lý do nào đó, người vi phạm hành chính có thể không có khả năng nộp phạt, khi ấy sẽ được xem xét miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm. Cụ thể là khi nào, bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

5 hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Với mỗi vi phạm hành chính, người vi phạm chỉ bị áp dụng 01 hình thức xử phạt chính và có thể bị áp dụng 01 hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có 5 hình thức xử phạt chính:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Trục xuất.

Theo đó, cảnh cáo và phạt tiền chỉ có thể là hình thức xử phạt chình còn các hình thức còn lại có thể là hình thức xử phạt bổ sung hoặc xử phạt chính. Việc xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng đi kèm với xử phạt chính.

Điều kiện miễn, giảm tiền nộp phạt

Cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên không có khả năng nộp phạt thì được xem xét miễn, giảm tiền nộp khi đáp ứng 2 điều kiện sau:

- Đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn;

- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

Như vậy, chỉ có cá nhân được miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tổ chức không được miễn, giảm. Mức miễn, giảm tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt.

miễn giảm tiền nộp phạt
Khi nào được miễn giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính (Ảnh minh họa)

Thủ tục xin miễn, giảm tiền nộp phạt

Bước 1: Để được miễn, giảm tiền phạt, người vi phạm chuẩn bị hồ sơ đề nghị gồm:

- Đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, trong đó nêu rõ: Lý do đề nghị miễn, giảm tiền phạt; giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, chi phí chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo và số tiền phạt đề nghị miễn, giảm (phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt);

- Trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có) thì phải kèm theo bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có);

- Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi làm việc. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ.

Bước 2: Gửi hồ sơ tới người đã ra quyết định xử phạt.

Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã quyết định xử phạt chuyển đơn kèm hồ sơ đến cấp trên trực tiếp.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm biết. Nếu từ chối việc miễn, giảm tiền phạt thì phải nêu rõ lý do.

Khi đó người vi phạm có thể chuyển hướng sang xin hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt.

Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định (theo Điều 76 Luật này).

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục