Lý do không nên lo lắng khi bị xóa đăng ký thường trú

Thông tin thêm nhiều trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ 01/7/2021 làm nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng vì những lý do dưới đây.

Thêm trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ 01/7/2021

Xóa đăng ký thường trú (hay còn gọi là xóa hộ khẩu) theo quy định tại Điều 24 Luật Cư trú 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021) sẽ áp dụng đối với 09 trường hợp sau đây:

- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với Luật Cư trú 2006, thêm nhiều trường hợp người dân bị xóa đăng ký thường trú hơn từ ngày 01/7/2021.

Lý do không nên lo lắng khi bị xóa đăng ký thường trú (Ảnh minh họa)

Lý do không nên lo lắng khi bị xóa đăng ký thường trú

Việc bị xóa đăng ký thường trú (không có hộ khẩu) ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, như:

- Không làm được Căn cước công dân;

- Gặp khó khăn khi mua bán, tặng cho nhà đất, phân chia di sản thừa kế;

- Gặp khó khăn khi làm hộ chiếu, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử; đăng ký xe…

- Không được ưu tiên khi đăng ký học trường công;

- Gặp khó khăn khi nhận đền bù, giải tỏa đất;

- Gặp khó khi vay tiền ngân hàng, đề nghị hưởng trợ cấp xã hội…

Bởi những lý do trên, lo lắng việc không có hộ khẩu thường trú là có cơ sở.

Tuy nhiên, có 02 lý do để người dân không cần quá lo lắng khi bị xóa hộ khẩu.

1. Người dân hoàn toàn có thể đăng ký tạm trú

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Mặc dù nếu chỉ đăng ký tạm trú, người dân vẫn bị hạn chế một số quyền, tuy nhiên, vẫn xác định được nơi cư trú rõ ràng để đảm bảo quyền lợi hơn so với đối tượng không có nơi thường trú, tạm trú.

Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

Đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến Công an cấp xã nơi mình dự kiến tạm trú để được giải quyết.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký tạm trú từ ngày 01/7/2021

2. Đăng ký thường trú mới

Người dân có thể mua nhà khác để được đăng ký thường trú tại nhà mới hoặc xin đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ hoặc nhập hộ khẩu về nhà người thân.

Để đăng ký thường trú mới sau ngày 01/7/2021, người dân cần chuẩn bị hồ sơ sau để nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (nếu nhà do thuê, mượn, ở nhờ thì phải có sự đồng ý của chủ hộ);

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp (hoặc hợp đồng cho thuê, mượn, ở nhờ hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ).

Xem thêm: Thủ tục đăng ký thường trú từ 01/7/2021: Hướng dẫn từ A - Z

Nếu còn băn khoăn về các quy định mới của Luật Cư trú 2020, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục