1. Bị mất Căn cước công dân: Không làm lại kịp thời có thể bị phạt nặng!
Căn cước công dân là giấy tờ chứng minh nhân thân vô cùng quan trọng, được sử dụng trong hầu hết các giao dịch, thủ tục hành chính. Bởi vậy nên khi bị mất Căn cước công dân, bạn nên nhanh chóng đi làm lại giấy tờ khác thay thế (hiện nay là cấp đổi sang thẻ Căn cước mới).
Tránh trường hợp hợp bắt buộc phải dùng đến giấy tờ nhân thân nhưng không có, dẫn đến phải mượn, sử dụng của người khác hoặc sử dụng giấy tờ giả. Những hành vi trên rất có thể sẽ bị phạt hành chính do vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân theo theo quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Không xuất trình được thẻ Căn cước công dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (hiện nay là cấp đổi sang thẻ Căn cước);
- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi chiếm đoạt, sử dụng thẻ Căn cước công dân của người khác.
- Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
Như vậy có thể thấy, việc bị mất Căn cước công dân mà không làm lại kịp thời có thể bị phạt hành chính với mức phạt không hề nhẹ.
2. Bị mất Căn cước công dân có nguy hiểm không?
Trên thực tế, khi bị mất thẻ Căn cước công dân thì người dân chỉ bị lộ thông tin số định danh cá nhân (số thẻ, họ tên đăng ký khai sinh, ngày sinh, nơi đăng ký thường trú, quê quán, nơi cấp thẻ, ngày cấp thẻ. Các thông tin khác trong con chip hoặc mã vạch của thẻ Căn cước công dân thì không bị lộ.
Tuy nhiên, chỉ với các thông tin cơ bản và hình ảnh của thẻ Căn cước công dân, các đối tượng xấu cũng có thể lợi dụng để thực hiện rất nhiều việc phi pháp không thể lường trước. Ví dụ như đi vay tín chấp, mạo danh để thực hiện các giao dịch, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Như vậy, việc bị mất Căn cước công dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường nếu rơi vào tay kẻ xấu. Người dân nên giữ gìn cẩn thận không để bị mất.3. Hướng dẫn thủ tục làm lại Căn cước công dân bị mất
Hiện nay, khi làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước công dân cũ, hỏng, mất người dân sẽ được cấp thẻ với tên gọi mới là thẻ Căn cước. Thủ tục thẻ Căn cước thực hiện như sau:
Nơi làm thẻ Căn cước
Theo quy định tại Điều 27 Luật Căn cước 2023, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước bao gồm:
- Cơ quan quản lý Căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý Căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Căn cước có thể tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước
Căn cứ quy định tại Điều 23 Luật Căn cước, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước được thực hiện như sau:
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên
Bước 1: Đến cơ quan quản lý Căn cước để yêu cầu cấp thẻ Căn cước.
Bước 2: Cơ quan quản lý Căn cước đối chiếu, kiểm tra thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chuyên ngành.
Trong trường hợp công dân chưa có thông tin thì sẽ được thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin.
Bước 3: Sau khi cập nhật thông tin thì công dân sẽ được thu nhận thông tin về nhân dạng, sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Bước 4: Kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin.
Bước 5: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước có thời hạn cụ thể.
Đối với người dưới 14 tuổi
Người dưới 14 tuổi khi cấp thẻ phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Với trẻ em dưới 06 tuổi thì cấp thẻ Căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc VNeID hoặc khi thực hiện liên thông đăng ký khai sinh trên cổng dịch công hoặc thực hiện trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước với các bước sau:
Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước hoặc thực hiện thông qua các hình thức trên và yêu cầu cấp thẻ Căn cước.
Bước 2: Thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học nhưng trừ của người dưới 06 tuổi.
Bước 3: Nhận giấy hẹn có thời gian trả hồ sơ.
Thời hạn làm thẻ Căn cước: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước.
Lệ phíĐiều 4 Thông tư Thông tư 73/2024/TT-BTC quy định mức phí làm thẻ Căn cước như sau:
- Cấp đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước: 30.000 đồng/thẻ Căn cước;
- Cấp đổi thẻ Căn cước đối với các trường hợp thay đổi thông tin nhân thân, khi có yêu cầu...: 50.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp lại thẻ Căn cước đối với các trường hợp bị mất, hư hỏng không sửa được...: 70.000 đồng/thẻ Căn cước.
Lưu ý: Từ ngày 21/10/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên.
Kể từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước theo hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên.
Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định nêu trên.
Trên đây là các thông tin Lưu ý với người bị mất Căn cước công dân.