Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt với cá nhân, tổ chức vi phạm. Nếu không may bị xử phạt cần lưu ý 5 điều dưới đây:
1- Người dưới 16 tuổi vi phạm không bị phạt tiền
Lưu ý 5 điều này nếu bị xử phạt vi phạm hành chính (Ảnh minh họa)
Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm.
Đặc biệt, người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.
Căn cứ: khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
2- Cách tính mức tiền phạt vi phạm hành chính
Theo khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt.
Như vậy, để tính mức tiền phạt vi phạm hành chính áp dụng công thức sau:
Mức phạt cụ thể | = | (Mức phạt tối thiểu + Mức phạt tối đa) | : | 2 |
Tuy nhiên, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
3- Không tái phạm được coi là chưa bị xử lý
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính:
Nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo; 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính:
Nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Như vậy hết thời gian kể trên, người vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm thực hiện sau thời gian này là một hành vi mới thực hiện lần đầu.
4- Tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi cá nhân
Cùng một hành vi vi phạm, nhưng nếu tổ chức vi phạm hành vi đó thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi với cá nhân (điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Ví dụ như theo Điều 11, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông;
b) Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy.[…]”
5- Xử phạt không cần lập biên bản
Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ).
Nếu thuộc trường hợp trên thì người vi phạm có thể yêu cầu người có thẩm quyền xử phạt tại chỗ.
Lưu ý: Mức tiền này là mức phạt tối đa được quy định theo khung tiền phạt của hành vi đó chứ không phải mức phạt mà người vi phạm phải nộp.
>> Cách tính mức phạt vi phạm hành chínhHậu Nguyễn