Từ khi Luật Căn cước có hiệu lực, nhiều công dân đã thực hiện thủ tục cấp, đổi thẻ Căn cước. Không ít người chưa làm thẻ băn khoăn liệu làm thẻ Căn cước có phải xuất trình giấy xác nhân cư trú?
Làm Căn cước có phải xuất trình giấy xác nhận cư trú?
Đầu tiên có thể khẳng định khi đi làm Căn cước, người dân không cần phải xuất trình giấy xác nhận cư trú. Bởi theo khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP thì:
4. Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước tại Điều 23 Luật Căn cước có quy định, khi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đến cơ quan chức năng để làm thẻ Căn cước thì người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước thông qua:
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
- Cơ sở dữ liệu quốc gia
- Cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Nếu chưa có thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định công dân đến cơ quan quản lý Căn cước đề nghị cấp, cấp đổi thẻ căn cước, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi thẻ Căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.
Như vậy, khi đi làm thẻ Căn cước cần đem theo các loại giấy tờ, tài liệu sau:
- CCCD, CMND đang sử dụng; người làm thẻ Căn cước lần đầu thì không mang theo.
- Giấy khai sinh trong trường hợp làm thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi để chứng minh là người đại điện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.
Người dân không cần xuất trình thông báo định danh cá nhân hay xác nhận thông tin về cư trú.
Mức phí làm thẻ Căn cước mới nhất
Điều 4 Thông tư 73/2024/TT-BTC quy định mức phí làm thẻ Căn cước như sau:
STT | Trường hợp | Quy định cũ (Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC) | Quy định mới (Thông tư 73/2024/TT-BTC thay thế Thông tư 59) |
1 | Công dân cấp đổi từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân sang thẻ Căn cước | 30.000 đồng/thẻ | 30.000 đồng/thẻ Căn cước |
2 | Cấp đổi thẻ Căn cước đối với các trường hợp: - Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; - Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; - Có sai sót về thông tin in trên thẻ Căn cước; … | 50.000 đồng/thẻ | 50.000 đồng/thẻ Căn cước |
3 | Cấp đổi thẻ Căn cước đối với các trường hợp: Bị mất thẻ Căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được; được trở lại quốc tịch Việt Nam | 70.000 đồng/thẻ | 70.000 đồng/thẻ Căn cước |
Như vậy, về cơ bản, mức phí làm Căn cước, cấp đổi thẻ Căn cước không thay đổi so với quy định trước đó mà chỉ đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước trong các trường hợp cấp, đổi; thêm các trường hợp như bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay…
Khoản 2 Điều 4 của Thông tư cũng quy định kể từ ngày 21/10/2024 - hết ngày 31/12/2024, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước bằng 50% mức thu theo bảng trên.
Kể từ ngày 01/01/2025 trở đi, áp dụng 100% mức thu lệ phí theo bảng trên.
Bên cạnh đó, kể từ 01/01/2025 - hết 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu trên. Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng 100% mức thu lệ phí này.
Trên đây là thông tin về việc làm Căn cước có phải xuất trình giấy xác nhận cư trú?