Hộ khẩu KT3 có được coi là đúng tuyến để học trường công?

Đối với học sinh đầu cấp, đặc biệt tại các thành phố lớn, việc được xác định là “đúng tuyến” hay “trái tuyến” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc có được học trường công lập hay không. Vậy, KT3 có được coi là "đúng tuyến" để trẻ đi học?

Đăng ký KT3 có được coi là đúng tuyến để đi học?

Hiện nay, trên các văn bản pháp luật không có khái niệm KT3. Theo tìm hiểu, trước đây KT là ký hiệu các mẫu giấy tờ về quản lý cư trú trước thời điểm Luật Cư Trú ra đời.

Theo đó, KT3 được hiểu là loại sổ cấp cho công dân có đăng ký hộ khẩu thường trú (KT1) ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này nhưng đăng ký tạm trú dài hạn tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Tại Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT về Điều lệ trường Tiểu học, có quy định quyền của học sinh như sau:

Được học ở một trường, lớp hoặc cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú; được chọn trường ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

Theo cách giải thích của Luật Cư trú 2006, nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Như vậy, theo các quy định trên, học sinh có quyền được học ở một trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi tạm trú. Đây là tinh thần của các nhà làm luật. Đối với mỗi địa phương khác nhau, dựa trên đặc điểm kinh tế, xã hội, số lượng trường học, dân cư... khác nhau, liệu tinh thần này có được áp dụng như nhau?


Đăng ký KT3 có được coi là đúng tuyến để đi học? (Ảnh minh họa)

KT3 trong tuyển sinh tại Hà Nội

Để biết gia đình có sổ KT3 thì con em có được theo học đúng tuyến ở Hà Nội không, cần xem xét kỹ quy định của địa phương này.

Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 01 và lớp 06 năm học 2020 - 2021 tại Hà Nội được quy định tại Công văn 1363/SGDĐT-QLT.

Hồ sơ đăng ký vào mầm non, lớp 01, lớp 06 gồm:

- Phiếu đăng ký dự tuyển;

- Bản sao Giấy khai sinh hợp lệ;

- Bản phôtô Sổ hộ khẩu (không cần công chứng, kèm theo bản chính để đối chiếu) hoặc giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu của công an quận, huyện, thị xã hoặc Giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của Công an cấp phường, xã, thị trấn cấp;

- Bản chính học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ (đối với học sinh vào lớp 6).

Như vậy, để được đăng ký học trường công lập tại Hà Nội, học sinh có thể có sổ hộ khẩu thường trú, cũng có thể chỉ cần xin xác nhận cư trú tại địa bàn (sổ KT3).

KT3 trong tuyển sinh tại TP Hồ Chí Minh

Tại Quyết định 1557/QĐ-UBND, TP Hồ Chí Minh có chủ trương như sau đối với học sinh đầu các cấp học:

- Huy động 100% trẻ 05 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào trường mầm non theo tuyến do Ban tuyển sinh quận, huyện quy định;

- Huy động 100% trẻ 06 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 01 theo tuyến do Ban tuyển sinh quận, huyện quy định;

- Đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh trong độ tuổi quy định đang cư trú trên địa bàn, đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học được vào học lớp 06;

- Khuyến khích học sinh thi tuyển vào lớp 10 chọn nguyện vọng phù hợp với khả năng của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của Thành phố.

Như vậy, TP Hồ Chí Minh giao Ban tuyển sinh các quận, huyện để căn cứ vào địa phương mình, điều kiện cư trú của từng học sinh, công bố kế hoạch tuyển sinh và phân tuyến theo hộ khẩu hoặc trường đã học.

>> Bạn biết gì về KT1, KT2, KT3 và KT4?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục