Không tạm trú, không thường trú có làm được thẻ Căn cước?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BCA, thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ Căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ Căn cước.
Tuy nhiên, trong trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ Căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước không có cả nơi thường trú, không có nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ Căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
Người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý Căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú.
Như vậy, người không đăng ký tạm trú, không đăng ký thường trú vẫn được cấp thẻ Căn cước như bình thường.
Ngoài ra, đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú (bao gồm thường trú, tạm trú) tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ Căn cước sẽ được thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Hướng dẫn thủ tục làm thẻ Căn cước khi không có thường trú, tạm trú
Nơi làm thẻ Căn cước
Điều 27 Luật Căn cước 2023 quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
- Cơ quan quản lý Căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý Căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Căn cước có thể tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước
Căn cứ quy định tại Điều 23 Luật Căn cước, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước được thực hiện như sau:
Đới công dân là người từ đủ 14 tuổi trở lên
Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước để yêu cầu cấp thẻ Căn cước.
Bước 2: Sau khi nộp hồ sơ trực tiếp tới cơ quan quản lý căn cước thì công dân đối chiếu, kiểm tra thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chuyên ngành.
Trong trường hợp công dân chưa có thông tin thì sẽ được thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin.
Bước 3: Sau khi cập nhật thông tin thì công dân sẽ được thu nhận thông tin về nhân dạng, sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Bước 4: Kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin.
Bước 5: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước có thời hạn cụ thể.
Với công dân dưới 14 tuổi
Người dưới 14 tuổi khi cấp thẻ phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Đồng thời, với trẻ em dưới 06 tuổi thì cấp thẻ Căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc VNeID hoặc khi thực hiện liên thông đăng ký khai sinh trên cổng dịch công hoặc thực hiện trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước với các bước sau:
Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước hoặc thực hiện thông qua các hình thức trên và yêu cầu cấp thẻ Căn cước.
Bước 2: Thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học nhưng trừ của người dưới 06 tuổi.
Bước 3: Nhận giấy hẹn có thời gian trả hồ sơ.
Thời hạn làm thẻ Căn cước
Điều 26 Luật Căn cước quy định cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật này.Trên đây là thông tin về: Không thường trú có làm được thẻ Căn cước?