Thông báo lưu trú là gì? Không thông báo lưu trú có bị phạt không?

Thông báo lưu trú là một thủ tục khá quen thuộc trong lĩnh vực cư trú. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và thực hiện thủ tục này. Vậy thông báo lưu trú là gì? Nếu không thông báo lưu trú có bị phạt không?

1. Thông báo lưu trú là gì?

Lưu trú là khái niệm được quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú số 68/2020/QH14. Cụ thể, lưu trú là công dân ở lại một địa điểm trong thời gian ít hơn 30 ngày mà không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Do đó, việc thông báo lưu trú là việc công dân thực hiện thông báo với cơ quan có thẩm quyền về cư trú về việc công dân ở một địa điểm không phải nơi tạm trú hoặc thường trú trong một khoảng thời gian ít hơn 30 ngày.

Cũng tại Luật Cư trú, thông báo lưu trú được coi là một hoạt động đăng ký cư trú như đăng ký thường trú, tạm trú hoặc khai báo tạm vắng, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Ví dụ: Khi một công dân đến du lịch ở một địa điểm du lịch và ở lại tại một khách sạn trong thời gian 05 ngày thì tương đương người này đến lưu trú tại khách sạn đó trong thời gian 05 ngày. Khi đó, khách sạn phải thực hiện thủ tục thông báo lưu trú đến cơ quan công an nơi sở tại về việc có một khách đến ở tại khách sạn trong thời gian 05 ngày.

Thông báo lưu trú là gì? Không thông báo lưu trú có bị phạt không? (Ảnh minh họa)

2. Không thông báo lưu trú có bị phạt không?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, khi có người đến lưu trú mà người có nghĩa vụ phải thực hiện thông báo lưu trú lại không thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền vi phạm hành chính cho hành vi này là từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng về hành vi:

b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

Trong đó, người có nghĩa vụ phải thực hiện thông báo lưu trú tại Điều 30 Luật Cư trú năm 2020 gồm:

- Thành viên hộ gia đình, người đại diện của cơ sở y tế, khách sạn, nhà nghỉ nơi du lịch… và các cơ sở khác có chức năng lưu trú: Khi có người đến ở có thời hạn dưới 30 ngày.

- Người lưu trú trực tiếp thực hiện thông báo lưu trú: Thành viên hộ gia đình, cá nhân không có mặt tại chỗ ở mà người lưu trú đến ở tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình dưới 30 ngày.

- Ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột nếu đến lưu trú nhiều lần thì theo khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2020, việc thông báo lưu trú chỉ cần thực hiện một lần.

3. Thủ tục thông báo lưu trú mới nhất 2024

Để thực hiện thông báo lưu trú, người có nghĩa vụ thông báo phải thực hiện bằng các hình thức theo Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA như sau:

- Thông báo lưu trú trực tiếp tại cơ quan công an hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan công an đăng ký cư trú quy định.

- Thông báo lưu trú thông qua số điện thoại/địa chỉ email được thông báo hoặc niêm yết.

- Thông báo lưu trú online qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID hoặc các dịch vụ công trực tuyến khác.

- Thực hiện thông báo lưu trú qua điện thoại.

Khi thực hiện lưu trú, người có nghĩa vụ thông báo lưu trú phải yêu cầu người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ có thông tin về số định danh cá nhân, thực hiện thông báo lưu trú với cơ quan công an có chức năng đăng ký cư trú.

Riêng việc đến lưu trú ở cơ sở khám chữa bệnh thì cơ sở này sẽ phải lập danh sách người đến điều trị nội trú và thực hiện thông báo lưu trú với cơ quan công an nơi đặt trụ sở của cơ sở khám, chữa bệnh đó.

- Thời gian thực hiện thông báo lưu trú: Trước 23 giờ ngày bắt đầu lưu trú hoặc trước 08 giờ ngày hôm sau nếu người đến lưu trú sau 23 giờ.

- Nội dung cần thông báo lưu trú gồm:

  • Các nội dung của người lưu trú về họ và tên, số định danh cá nhân/số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu.
  • Lý do, thời gian và địa chỉ lưu trú.

Trên đây là nội dung chính về vấn đề: Thông báo lưu trú là gì? Không thông báo lưu trú có bị phạt không?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục