Không nộp phạt vi phạm giao thông có sao không?

Người vi phạm được lựa chọn cách nộp phạt giao thông thuận tiện cho bản thân nhưng nhiều người vẫn phớt lờ việc chấp hành quyết định xử phạt. Vậy, không nộp phạt vi phạm giao thông thì có sao không?

Theo quy định hiện hành, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông theo đúng thời hạn quy định, người vi phạm có thể gặp phải 04 rủi ro pháp lý bao gồm: Bị từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe; Bị cưỡng chế nộp phạt; Bị tính thêm tiền chậm nộp; Ô tô bị cảnh báo đăng kiểm. Cụ thể như sau:


1. Bị từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe

Nội dung này được nêu rõ tại khoản 15 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chưa giải quyết đăng ký xe.

Sau khi tổ chức, cá nhân chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì được đăng ký xe.

Theo quy định này, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông thì người vi phạm sẽ không thể đăng ký xe khi mua xe mới hay sang tên xe sau khi mua bán, tặng cho, thừa kế,…

Để được giải quyết thủ tục đăng ký xe, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp phạt trước, sau đó, cơ quan đăng ký xe mới tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục.

Không nộp phạt vi phạm giao thông không được đăng ký xe (Ảnh minh họa)

2. Bị cưỡng chế nộp phạt vi phạm giao thông

Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt giao thông, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền phạt.

Nếu quá thời hạn nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Các biện pháp cưỡng chế được quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật này bao gồm:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế được thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.


3. Bị tính thêm tiền chậm nộp phạt giao thông

Theo khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, ngoài việc bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, người vi phạm còn bị tính thêm tiền chậm nộp phạt với công thức tính như sau:

Số tiền nộp phạt = Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp)

Số tiền này đồng thời thu cùng số tiền nộp phạt giao thông theo quyết định xử phạt.

Không nộp phạt giao thông bị tính lãi (Ảnh minh họa)

4. Ô tô bị cảnh báo đăng kiểm

Theo khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm mà chủ phương tiện vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Ô tô vi phạm khi đi đăng kiểm chỉ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày khi kiểm định đạt yêu cầu (theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT).

Người vi phạm giao thông sau khi giải quyết xong vụ việc việc vi phạm (đến trụ sở ở công an để giải quyết và hoàn thành việc nộp phạt) thì Cảnh sát giao thống sẽ gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Lúc này, chủ xe đưa phương tiện đi đăng kiểm lại sẽ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo chu kì quy định.

Trên đây là những rủi ro khi không nộp phạt vi phạm giao thông. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục