Từ ngày 01/7/2020, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Quy chuẩn mới đã bãi bỏ, thay đổi một số khái niệm cũ làm nhiều tài xế lo lắng.
Quy chuẩn 41/2019/BGTVT không còn quy định về “Vượt phải”
Theo Luật Giao thông đường bộ, khi vượt, tất cả các xe đều bắt buộc phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
- Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
- Khi xe điện đang chạy giữa đường;
- Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc xác định hành vi vượt phải cũng dễ dàng.
Tình huống dưới đây có phải “Vượt phải” hay không đã từng gây nhiều tranh cãi:
- Xe A và B đang đi trên phần đường xe chạy có nhiều làn đường mỗi chiều.
- Xe A đi sau xe B và cùng đi ở làn bên trái.
- Xe A đi với vận tốc nhanh. Xe B đang đi chậm hơn.
- Xe A chuyển sang làn đường bên phải xe B để vượt xe B.
Lúc này có sự tranh cãi như sau:
Trường hợp 1: Xe A phạm lỗi vượt phải vì vượt xe B về phía bên phải;
Trường hợp 2: Xe A không phạm lỗi vượt phải mà chỉ chuyển làn đường.
Không còn định nghĩa Vượt phải theo Quy chuẩn mới (Ảnh minh họa)
Sau khi Quy chuẩn 41:2016/BGTVT ra đời đã phân định rõ việc này, chấm dứt các tranh luận trước đó.
Quy chuẩn 41/2016 quy định cụ thể như sau:
Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Nghĩa là hành vi “Vượt phải” chỉ được xác định là lỗi khi diễn ra trên đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều, còn đối với đường cao tốc hay đường quốc lộ có hai làn xe trở lên mỗi chiều thì hành vi vượt này không được coi là vi phạm lỗi “Vượt phải”.
Tuy nhiên, đến Quy chuẩn QCVN 41/2019/BGTVT, cơ quan chức năng đột ngột cắt bỏ khái niệm này.
Vì thế, nhiều tài xế cho rằng với sự thay đổi này, việc xử phạt lỗi “Vượt phải” sẽ tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi như trước đây.
Không còn định nghĩa “Vượt phải”, việc xử phạt có bị “nhập nhèm”?
Mặc dù Quy chuẩn mới không quy định rõ thế nào là “Vượt phải” như trước đây nhưng Nghị định 100 lại xác định việc xử phạt xung quanh hành vi này rất rõ ràng.
Cụ thể, điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này quy định như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.
Theo quy định trên, không xử phạt hành vi vượt xe trong trường hợp đáp ứng các điều kiện sau:
- Đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều;
- Các làn đường được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường;
- Xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.
Điều này có nghĩa là xe A trong trường hợp trên không bị xử phạt lỗi Vượt phải nếu xe A tuân thủ các quy định về an toàn mà Luật Giao thông đường bộ quy định.
Kết luận: Quy chuẩn 41/2019 mặc dù đã không quy định rõ thế nào là “Vượt phải” nhưng việc xử phạt không bị nhập nhèm vì Nghị định 100 đã quy định rõ.