Khi cả nước đồng loạt tiến hành cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, nhiều người dường như vẫn đứng ngoài "guồng". Bởi họ không có nơi thường trú nên không biết mình phải làm CCCD ở đâu, có làm được không?
Thẩm quyền cấp Căn cước công dân hiện nay?
Theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2016/TT-BCA, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân 25, 40, 60 tuổi; thẻ bị hư hỏng; cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.
Theo quy định này, do hiện nay, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân, việc cấp CCCD gắn chip hầu hết phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Vậy, những người không có hộ khẩu thường trú, việc cấp CCCD gắn chip thực hiện thế nào?
Không có nơi thường trú có làm được Căn cước công dân? (Ảnh minh họa)
Không có nơi thường trú có làm được Căn cước công dân?
Như đã trình bày ở trên, hiện nay, CCCD gắn chip đang được cấp theo nơi thường trú. Với mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip trước ngày 01/7/2021, công an các địa phương đang dốc mọi nguồn lực để cấp CCCD và cũng ưu tiên người có hộ khẩu thường trú.
Mặt khác, khi làm CCCD gắn chip, công dân phải điền Tờ khai làm CCCD. Trong Tờ khai này, thông tin nơi thường trú là thông tin bắt buộc, công dân phải khai theo Sổ hộ khẩu.
Trên mẫu thẻ CCCD gắn chip quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BCA, thông tin về nơi thường trú cũng là thông tin phải có.
Vì thế, nếu công dân không có nơi thường trú chưa thể cấp CCCD trong thời gian này.
LuatVietnam sẽ cập nhật tới bạn đọc sớm nhất khi có hướng dẫn mới nhất từ Bộ Công an liên quan đến việc cấp CCCD cho người không có thường trú, tạm trú...Lưu ý: Từ ngày 01/7/2021, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, thêm nhiều trường hợp bị xóa đăng ký thường trú. Những trường hợp này sẽ gặp “vướng” khi làm CCCD gắn chip. Vì thế, công dân cần lưu ý vấn đề này để chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… để tránh bị xóa thường trú.
Xem thêm: 9 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ 01/7/2021
Nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>> Nơi cư trú của người không có thường trú, tạm trú
>> Có được làm thẻ CCCD gắn chip tại nơi tạm trú không?
>> Xem các nội dung khác về Căn cước công dân gắn chip tại đây.