Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hướng dẫn 5419/HD-BQP của Bộ Quốc phòng thực hiện Chỉ thị 881/CT-TTg ngày 13/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức sơ kết 20 năm thực hiện Ngày biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2009)
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Hướng dẫn 5419/HD-BQP
Cơ quan ban hành: | Bộ Quốc phòng | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 5419/HD-BQP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Hướng dẫn | Người ký: | Phùng Quang Thanh |
Ngày ban hành: | 03/10/2007 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính |
tải Hướng dẫn 5419/HD-BQP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5419/HD-BQP | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN
Thực hiện Chỉ thị số 881/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức sơ kết 20 năm thực hiện "Ngày biên phòng toàn dân" (03/3/1989 - 03/3/2009)
Thực hiện Chỉ thị số 881/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức sơ kết 20 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" (03/3/1989 - 03/3/2009); trong đó, Thủ tướng giao "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn các Bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện Chỉ thị này; đề xuất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến 20 năm phong trào quần chúng thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" cấp Trung ương vào tháng 02 năm 2009 tại Hà Nội" (Mục 4, Trang 3 của Chỉ thị);
Sau khi thống nhất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Chỉ thị trên như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đánh giá đúng kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quán triệt thực hiện Quyết định 16/HĐBT ngày 22 tháng 02 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về "Ngày Biên phòng toàn dân" 03/3 hàng năm; những chuyển biến tích cực và hạn chế, tồn tại về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trong thời gian qua, nhất là ở khu vực biên giới; trên cơ sở đó, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện tốt Ngày Biên phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình mới.
2. Gắn việc sơ kết 20 năm "Ngày Biên phòng toàn dân" với đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009) và 50 năm Ngày thành lập lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) (03/3/1959 - 03/3/2009); kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
3. Quá trình tổ chức sơ kết, xét khen thưởng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội; đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao, không phô trương hình thức.
II. NỘI DUNG SƠ KẾT
1. Đối với các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tiến hành sơ kết đánh giá kết quả toàn diện, tập trung các vấn đề sau:
- Nhận thức, trách nhiệm của Bộ, ngành mình đối với thực hiện 04 nội dung về "Ngày Biên phòng toàn dân" (đấu tranh bảo vệ biên giới, xây dựng cơ sở vật chất cho phòng thủ bảo vệ biên giới, xây dựng lực lượng BĐBP, tổ chức hoạt động "Ngày Biên phòng toàn dân" 03/3 hàng năm).
- Công tác chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện Quyết định 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày Biên phòng toàn dân": Chỉ thị số 250-TTg ngày 27 tháng 5 năm 1993; Chỉ thị số 394-TTg ngày 02 tháng 8 năm 1994; Chỉ thị số 15/1998/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 1998; Chỉ thị số 13/2003/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2003 (xây dựng nghị quyết, chỉ thị, đề án và các chương trình kế hoạch về thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân").
- Tổ chức phối hợp, hiệp đồng giữa các Bộ, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện Quyết định 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và các chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
2.1. Công tác tổ chức giáo dục, quán triệt Quyết định số 16/HĐBT ngày 22 tháng 02 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về "Ngày Biên phòng toàn dân" 03/3 hàng năm:
- Tổ chức quán triệt và đề ra các chủ trương, biện pháp (chương trình, đề án, kế hoạch), nhất là các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới và các phong trào quần chúng trong xây dựng và bảo vệ biên giới.
- Tổ chức giáo dục những nội dung về "Ngày Biên phòng toàn dân" trong chương trình giáo dục quốc phòng cho các đối tượng theo quy định.
- Công tác tuyên truyền về "Ngày Biên phòng toàn dân", Luật Biên giới quốc gia, các Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế biên giới…; tổ chức vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới, xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh theo Nghị quyết số 11 ngày 08 tháng 5 năm 1995 của Bộ Chính trị, Kết luận của Bộ Chính trị về Tổng kết Nghị quyết 11, Pháp lệnh về BĐBP (Thông báo số 165 ngày 22 tháng 12 năm 2004).
- Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp tổ chức thực hiện.
2.2. Đánh giá kết quả thực hiện trên các lĩnh vực công tác:
a) Công tác đấu tranh bảo vệ biên giới:
- Công tác nắm tình hình, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của kẻ địch.
- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới; tham gia đấu tranh chống lấn chiếm, chống xâm canh, xâm cư ở biên giới, chống vượt biên trái phép, đấu tranh với các loại tội phạm.
- Xây dựng và luyện tập các phương án, kế hoạch, quyết tâm bảo vệ biên giới.
- Xây dựng và củng cố lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, bản; các tổ chức quần chúng tự quản.
b) Công tác xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phòng thủ bảo vệ biên giới:
- Kết quả đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các công trình phòng thủ bảo vệ biên giới.
- Động viên nhân dân tham gia xây dựng các công trình và ủng hộ vật chất cho nhân dân và các đơn vị bảo vệ biên giới.
- Triển khai xây dựng các dự án kinh tế, xã hội ở biên giới, ven biển, hải đảo, đảm bảo yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.
- Quan tâm về chế độ, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng BĐBP thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới được Đảng, Nhà nước giao.
- Tổ chức rà phá bom mìn, quy hoạch dân cư ra biên giới; động viên đồng bào định canh, định cư, củng cố thế trận quốc phòng, thế trận an ninh nhân dân vững chắc bảo vệ biên giới.
- Huy động các nguồn lực phía sau cho biên giới, hải đảo; động viên nhân dân cả nước, các tổ chức kinh tế - xã hội thường xuyên có hoạt động thiết thực hướng về biên giới, hải đảo.
c) Công tác xây dựng lực lượng BĐBP, các đơn vị quân đội ở biên giới, hải đảo:
- Các chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các đơn vị quân đội ở biên giới, hải đảo.
- Trang bị phương tiện, đầu tư vật chất cho hoạt động và chiến đấu bảo vệ biên giới; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên giới.
- Tổ chức hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu giữa các đơn vị phía sau và các đồn biên phòng, đơn vị quân đội ở biên giới, các xã, phường biên giới, ven biển, hải đảo.
- Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chăm lo gia đình có con em đang phục vụ trong lực lượng BĐBP và các đơn vị quân đội ở biên giới, hải đảo.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên con em các dân tộc nhập ngũ vào lực lượng BĐBP, tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc tại chỗ.
- Đoàn kết quân dân, ngăn chặn vi phạm kỷ luật, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân.
d) Tổ chức thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" 3/3 hàng năm:
- Hình thức tổ chức, nội dung hoạt động Ngày 3/3.
- Công tác phối hợp, quy mô và lực lượng tham gia.
- Kết quả và những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.
* Riêng đối với các tỉnh, thành phố không có biên giới: tập trung sơ kết vào các nội dung chủ yếu sau:
- Công tác kết nghĩa, đỡ đầu các đơn vị biên giới, hải đảo;
- Thực hiện chính sách hậu phương quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ công tác ở các khu vực biên giới, hải đảo;
- Công tác tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, các Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế biên giới...
3. Đối với các cơ quan, đơn vị quân đội
- Tổ chức quán triệt trong lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị; chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ở các cấp.
- Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan giúp Bộ Quốc phòng trong hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
- Công tác phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng trong triển khai thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân".
- Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" hàng năm.
III. KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH TRONG 20 NĂM THỰC HIỆN "NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN"
Căn cứ vào Luật Thi đua - Khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng,
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị quân đội khi xem xét đề nghị khen thưởng cần nắm vững những vấn đề sau:
1. Nguyên tắc
- Thành tích của tập thể và cá nhân được đề nghị khen thưởng thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" giai đoạn 1989 - 2009 tính từ tháng 3/1989 đến tháng 3/2009; trong đó, phải có ít nhất 03 năm đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc, không vi phạm kỷ luật, pháp luật.
- Những tập thể, cá nhân đã được khen thưởng trong dịp tổng kết 5 năm, 10 năm thực hiện "Ngày Biên phòng" (03/3/1994 và 03/3/1999), đến nay nếu không có thành tích tiêu biểu, xuất sắc thì không xét khen thưởng.
- Thành tích đạt ở mức nào thì khen ở mức đó; chú trọng khen thưởng ở những cấp cơ sở, ưu tiên khen thưởng những tập thể nhỏ và cá nhân trực tiếp có thành tích ở cơ sở.
- Quyền hạn xét, quyết định khen thưởng do lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện là chủ yếu. Những tập thể, cá nhân đặc biệt xuất sắc của Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có thành tích tiêu biểu toàn quốc thì mới đề nghị mức khen thưởng ở cấp Bộ Quốc phòng trở lên.
2. Đối tượng khen thưởng
2.1. Tập thể:
- Các xã, phường, thị trấn.
- Các đơn vị: Công an, xã đội, dân quân tự vệ, các tổ chức quần chúng thuộc các xã, phường, thị trấn.
- Các đơn vị bộ đội cấp Trung đoàn và tương đương, các nhà trường, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, lâm trường, nông trường đứng chân trên địa bàn biên giới.
- Các hải đội, tiểu khu, đồn, trạm, đơn vị cơ động biên phòng, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.
- BĐBP tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.
- Các đơn vị, cơ quan thuộc các Bộ, ngành Trung ương và các doanh nghiệp có nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
2.2. Cá nhân:
- Cán bộ, nhân dân; trưởng thôn, bản các xã, phường, thị trấn.
- Cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, BĐBP, công an, dân quân tự vệ; cán bộ, nhân viên các cơ quan huyện, tỉnh và các lực lượng khác.
- Cá nhân thuộc các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp có nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
3. Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng
3.1. Bằng khen Bộ Quốc phòng
a) Tặng cho các tập thể:
- Xã, phường, thị trấn có tổ chức Đảng ít nhất 03 năm đạt TSVM; tổ chức chính quyền, đoàn thể ít nhất 03 năm đạt tiêu chuẩn VMTD, ít nhất 03 lần được cấp huyện, tỉnh trở lên khen thưởng, trong đó có năm 2007; là địa phương có các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo hàng năm giảm, an ninh chính trị ổn định, nội bộ đoàn kết thống nhất.
- Các đơn vị dân quân tự vệ, công an xã, xã đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ít nhất 03 năm đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, trong đó có năm 2007; là đơn vị tiêu biểu trong góp phần vào thực hiện phong trào bảo vệ an ninh biên giới của tỉnh, thành phố.
- Các đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương có 03 năm đạt danh hiệu Quyết thắng, trong đó có năm 2007 được tặng Bằng khen của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố hoặc sự đoàn trở lên; có chi bộ, đảng bộ 05 năm liền đạt TSVM.
- Các nhà trường, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, nông trường, lâm trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 03 năm được các cấp huyện trở lên khen thưởng về đóng góp xây dựng và tổ chức phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, trong đó có năm 2007.
- Các đơn vị BĐBP thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP có ít nhất 03 năm đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, trong đó có năm 2007, hoặc được tặng Bằng khen của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố; có chi bộ, đảng bộ 05 năm liền đạt TSVM.
- BĐBP các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP có ít nhất 03 năm được tặng cờ hoặc Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP, trong đó có năm 2007.
b) Tặng cho các cá nhân:
- Cán bộ, nhân dân có thành tích trong đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, chống xâm canh, xâm cư, chống vượt biên, xâm nhập, xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển đảo và đấu tranh chống các loại tội phạm. Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị và quy chế biên giới. Là cá nhân tiêu biểu trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới của huyện, thị xã; có ít nhất 03 lần được các cấp huyện, tỉnh khen thưởng về thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có năm 2007.
- Cán bộ, chiến sĩ BĐBP có thành tích xuất sắc, là điển hình tiên tiến của bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố; có ít nhất 01 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, thành phố hoặc 03 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có năm 2007.
- Cá nhân có thành tích trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân".
3.2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
a) Tặng cho các tập thể:
Đạt các tiêu chuẩn xét tặng bằng khen của Bộ Quốc phòng, được chọn là tập thể xuất sắc, tiêu biểu trên một tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo hoặc trong tổ chức thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân"… Nếu là tập thể của BĐBP phải là điển hình tiên tiến của lực lượng BĐBP, có ít nhất 05 năm đạt đơn vị Quyết thắng hoặc được tặng Bằng khen của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố; đối với các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP phải có ít nhất 03 năm được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng.
b) Tặng cho cá nhân:
- Tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng, được chọn là cá nhân tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân của các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành Trung ương; có ít nhất 01 lần được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.
- Nếu là cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải là điển hình tiên tiến của lực lượng BĐBP, có ít nhất 02 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc cấp Bộ Tư lệnh BĐBP.
3.3. Huân chương Bảo vệ Tổ quốc
a) Tặng cho các tập thể đặc biệt xuất sắc:
- Đạt các tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Chính phủ, được chọn là tập thể xuất sắc tiêu biểu toàn quân, toàn quốc; có ít nhất 05 năm liên tục được khen thưởng từ cấp tỉnh trở lên.
- Các đơn vị BĐBP đạt các tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Chính phủ, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong toàn lực lượng, có ít nhất 05 năm liên tục đạt đơn vị Quyết thắng hoặc được tặng Bằng khen của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố. Đối với các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP, phải có ít nhất 05 năm liên tục được tặng Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP trở lên.
b) Tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc:
- Đạt các tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Chính phủ, ít nhất có 05 năm liên tục được bình chọn là cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và thực hiện ngày Biên phòng toàn dân của tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành Trung ương.
- Cán bộ, chiến sĩ BĐBP trực tiếp làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ an ninh biên giới, vùng biển có ít nhất 02 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc cấp Bộ Tư lệnh BĐBP; là điển hình tiêu biểu của lực lượng BĐBP.
* Ngoài các hình thức trên, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các đơn vị quân đội quyết định khen thưởng các hình thức khen thưởng theo thẩm quyền quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng.
* Kết quả khen thưởng sẽ công bố tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào quần chúng 20 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân".
4. Hồ sơ khen thưởng
- Tờ trình đề nghị khen thưởng của các cấp.
- Bản báo cáo thành tích (nêu những thành tích nổi bật, giá trị phạm vi ảnh hưởng của thành tích, các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng đạt được, có xác nhận của chỉ huy đơn vị).
- Bản tóm tắt thành tích do cơ quan thi đua, khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương chuẩn bị (có đóng dấu treo).
- Danh sách trích ngang đối với cá nhân (ghi rõ họ tên, cấp bậc, chức vụ, quê quán).
- Hồ sơ khen thưởng gửi về Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tư lệnh BĐBP) trước ngày 10/7/2008 (khen thưởng cấp Bộ Quốc phòng gửi 3 bộ hồ sơ, cấp Chính phủ gửi 4 bộ, cấp Nhà nước gửi 5 bộ).
5. Kinh phí khen thưởng
Khen thưởng của ngành nào do ngành đó đảm nhiệm kinh phí.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, các đoàn thể ở Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có biên giới, bờ biển; Bộ Tư lệnh các Quân khu, Quân đoàn và các đơn vị quân đội tương đương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành sơ kết theo những nội dung hướng dẫn; chậm nhất ngày 15/8/2008 báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tư lệnh BĐBP) để tổng hợp chung.
2. Các địa phương có biên giới, bờ biển, hải đảo tổ chức sơ kết 2 cấp. Cấp quận, huyện, thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị chủ trì và hoàn thành sơ kết vào tháng 8/2008. Cấp tỉnh, thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ trì và hoàn thành sơ kết vào tháng 9/2008, chậm nhất ngày 15/10/2008 báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tư lệnh BĐBP) để tổng hợp chung.
3. Bộ Quốc phòng chuẩn bị nội dung, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào quần chúng 20 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" vào cuối tháng 02/2009 tại Hà Nội.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |