Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Giấy khai sinh là giấy tờ gốc của mỗi công dân, thông tin trên giấy khai sinh là vô cùng quan trọng trong nhiều trường hợp. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không, hãy theo dõi bài viết này để nắm được quy định của pháp luật có liên quan.

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì?

Giấy khai sinh không có tên cha và giấy khai sinh có đủ cha mẹ đều có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, về mặt quyền lợi, trẻ em không có tên cha trong giấy khai sinh mất đi một số quyền liên quan đến cha đẻ như sau:

Về quyền yêu cầu cha cấp dưỡng cho con

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Theo quy định trên, người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nếu chung huyết thống.

Tuy nhiên, trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn và giấy khai sinh của con không có tên cha, việc yêu cầu cấp dưỡng sẽ khó khăn.

Trong hồ sơ khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cần có các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con thì Tòa án mới có cơ sở để xử lý vụ việc.

Nếu không xuất trình được giấy khai sinh có tên cha và người cha không muốn cấp dưỡng thì rất khó để đòi quyền lợi cho con.

Về quyền hưởng di sản thừa kế từ cha

Trong trường hợp thừa kế không có di chúc, để được hưởng di sản thừa kế từ cha thì người con cần xuất trình bằng chứng chứng minh quan hệ cha con.

Giấy tờ thường được sử dụng để chứng minh quan hệ cha con là giấy khai sinh.

Nếu giấy khai sinh không có tên cha thì người con thường không được thừa kế thường bởi không có tài liệu hợp pháp chứng minh quan hệ huyết thống và khó chứng minh được bằng cách khác.

Giấy khai sinh không có tên cha: Con mất đi nhiều quyền lợi (Ảnh minh họa)

Bổ sung tên cha vào giấy khai sinh như thế nào?

Trường hợp muốn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con, cha mẹ cần thực hiện 02 thủ tục là nhận cha con và bổ sung tên cha vào Giấy khai sinh.

Để làm thủ tục nhận cha con, hai bên đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha con.

Hồ sơ thực hiện thủ tục nhận cha con tương đối đơn giản, chỉ cần có Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con (theo mẫu); Giấy tờ chứng cứ chứng minh quan hệ cha con như Văn bản giám định, thư từ, phim ảnh…

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha con là đúng thì người có yêu cầu sẽ được cấp trích lục đăng ký nhận cha con.

Sau khi hoàn thành thủ tục nhận cha con, cha/mẹ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người có yêu cầu để làm tiếp thủ tục bổ sung hộ tịch. Khi đi mang theo giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch để bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con.

Trong 03 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy yêu cầu là có cơ sở và phù hợp với quy định pháp luật, công chức tư pháp - hộ tịch ghi bổ sung tên người cha vào Giấy khai sinh, cùng người yêu cầu ký vào Sổ hộ tịch.

Căn cứ quy định tại Điều 24, 25, 29 Luật Hộ tịch 2014.

Trên đây là các thông tin về vấn đề: Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không? Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục