Giấy chứng tử để làm gì? Không làm có được không?

Liên quan đến vấn đề hộ tịch, Giấy chứng tử là một trong các loại giấy tờ không xa lạ. Vậy Giấy chứng tử để làm gì? Giấy chứng tử có tác dụng gì? Tìm hiểu các thông tin liên quan đến Giấy chứng tử thông qua bài viết bên dưới.

1. Giấy chứng tử để làm gì? Giấy chứng tử có tác dụng gì?

Giấy chứng tử để làm gì?
Giấy chứng tử để làm gì? (Ảnh minh họa)

Giấy chứng tử là một trong các loại giấy tờ hộ tịch do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo đó, khi một người qua đời và được làm thủ tục khai tử tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì vợ, chồng, cha, mẹ, con hoặc người thân thích khác của người mất sẽ thực hiện việc  cấp Giấy chứng tử cho người đã chết. Về tác dụng của Giấy chứng tử, thì đây là giấy tờ cần có để chứng minh cá nhân đã chết.

Bởi lẽ, đây được xem là thủ tục pháp lý do Nhà nước thực hiện nhằm xác nhận một người đã qua đời và xác định quan hệ pháp luật, trách nhiệm pháp lý của người này đã chấm dứt.

Từ ý nghĩa này, Giấy chứng tử thường được dùng để xác định các vấn đề, sự kiện pháp lý kèm theo, cụ thể như sau:

- Thứ nhất là dùng làm căn cứ để xác định thời điểm mở thừa kế hoặc xác định hàng thừa kế khi chia thừa kế di sản;

- Thứ hai là dùng làm căn cứ để được cơ quan/tổ chức có thẩm quyền giải quyết hưởng chế độ tử tuất;

- Thứ ba là dùng làm căn cứ xác định đâu là tài sản chung vợ chồng, đâu là tài sản riêng;

- Thứ tư là dùng để xác nhận tình trạng hôn nhân của người vợ/chồng còn sống, khi người này muốn đăng ký kết hôn với người khác.…

2. Không làm giấy chứng tử có được không?

Không làm giấy chứng tử có được không?
Không làm giấy chứng tử có được không? (Ảnh minh họa)

- Theo quy định của khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 có đề cập đến trách nhiệm làm giấy chứng tử (thủ tục đăng ký khai tử) như sau:

“1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.”

Căn cứ nội dung nêu trên, kể từ ngày có người mất thì con cái, vợ/chồng, mẹ, cha, người thân thích khác của người này có trách nhiệm thực hiện thủ tục làm giấy chứng tử cho người mất trong vòng 15 ngày từ ngày người thân mất.

Cụ thể hơn về khái niệm “người thân thích” có trách nhiệm làm giấy chứng tử được quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 bao gồm:

“19. Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.”

- Về việc không làm giấy chứng tử, căn cứ Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người thân thích của người mất chỉ chậm trễ thực hiện việc làm giấy chứng tử thì sẽ không bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, nếu người thân thích cố tình không làm giấy chứng tự nhằm mục đích trục lợi từ việc này thì sẽ bị xử phạt hành chính số tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

3. Người mất đã lâu có làm giấy chứng tử được không?

Theo Luật Hộ tịch hiện hành, hiện nay không có quy định về thời gian tối đa được phép làm giấy chứng tử. Đồng thời như đã phân tích nêu trên, trường hợp chậm làm giấy khai tử thông thường không bị xử phạt và vẫn có thể được thực hiện.

Tuy nhiên, một số trường hợp người thân đã mất từ lâu nên không có hoặc bị mất Giấy báo tử/giấy tờ khác thay thế Giấy báo tử, thì đối với tình huống này, khi làm thủ tục đăng ký khai tử người thân có thể dùng giấy tờ, tài liệu, chứng cứ khác do cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hợp lệ để chứng minh sự kiện chết (Căn cứ Điều 13 Thông tư 04/2020/TT-BTP).

Trường hợp không có các loại giấy tờ nêu trên, hoặc giấy tờ không hợp lệ thì lúc này cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối đăng ký khai tử.

4. Trình tự xin giấy chứng tử như thế nào?

Căn cứ mục 7 Chương II, mục 7 Chương III Luật Hộ tịch 2014, Điều 20  Nghị định 123/2015/NĐ-CP trình tự xin giấy chứng tử (thủ tục khai tử) có thể khái quát bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy chứng tử bao gồm:

  • Thứ nhất là Tờ khai đăng ký khai tử;

  • Thứ hai là Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử, cụ thể theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP các loại giấy này do các chủ thế sau cấp:

“a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;

b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;

c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;

d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;

đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.“

Trường hợp người thân thích của người mất ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục xin giấy chứng tử thì cần chuẩn bị thêm văn bản ủy quyền.

Ngoài ra, người thực hiện thủ tục khi đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cũng cần mang theo các loại giấy tờ tùy thân cho trường hợp có yêu cầu xuất trình.

Bước 2: Nộp hồ sơ khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện tùy theo các trường hợp sau đây:

  • Căn cứ Điều 32 Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp xã sẽ có thẩm quyền thực hiện thủ tục khai tử đối với công dân Việt Nam, cụ thể:

“Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.”

  • Căn cứ Điều 51 Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thực hiện khai tử đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam hoặc người nước ngoài, cụ thể:

“1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.”

Bước 3: Người có thẩm quyền thực hiện việc khai tử tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Nếu hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận yêu cầu thực hiện thủ tục khai tử, trong đó ghi rõ thời điểm trả kết quả; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện.

Bước 4: Thực hiện việc khai tử và trả kết quả

Công chức tư pháp hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch UBND và cấp Giấy chứng tử trong thời hạn 05 ngày làm việc

Trên đây là thông tin về: Giấy chứng tử để làm gì?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Không có nơi thường trú, tạm trú, làm sao để được cấp thẻ Căn cước?

Không có nơi thường trú, tạm trú, làm sao để được cấp thẻ Căn cước?

Không có nơi thường trú, tạm trú, làm sao để được cấp thẻ Căn cước?

Từ 01/7/2024, người dân đã có thể làm thẻ Căn cước mới để thay thế cho các giấy tờ tùy thân cũ như Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD) cũ. Vậy làm sao để được cấp thẻ Căn cước khi không có nơi thường trú tạm trú?