Thuê nhà nghỉ, khách sạn không phải là hoạt động xa lạ hiện nay. Song mọi người thường có băn khoăn là liệu người dưới 18 tuổi thuê nhà nghỉ có cần phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý hay không?
Giao dịch dân sự của người chưa thành niên
Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự của người chưa thành niên được xác lập, thực hiện như sau:
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện;
- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Mà giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Dưới 18 tuổi thuê nhà nghỉ cần có người đại diện theo pháp luật? (Ảnh minh họa)
Dưới 18 tuổi thuê nhà nghỉ phải có người đại diện theo pháp luật?
Thuê nhà nghỉ được hiểu là việc tham gia giao dịch dân sự hay nói cách khác đây chính là giao kết hợp đồng thuê nhà trong thời gian ngắn.
Theo đó, người từ đủ 6 tuổi - chưa đủ 18 tuổi thuê nhà nghỉ sẽ phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (do đây là giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản và cũng không phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi).
Người đại diện theo pháp luật gồm cha, mẹ đối với con dưới 18 tuổi; người giám hộ đối với người được giám hộ; người do Tòa án chỉ định (Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015).
Còn người dưới 6 tuổi sẽ không tự mình xác lập, thực hiện được giao dịch mà phải do người đại diện theo pháp luật tiến hành.
>> Không có Chứng minh nhân dân, thuê nhà nghỉ được không?
Hậu Nguyễn