Đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cốt (đèn chiếu gần) là bộ phận tuy nhỏ nhưng rất quan trọng đối với các phương tiện khi tham gia giao thông. Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Không bật đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư
Khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 nghiêm cấm sử dụng đèn pha trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).
Cụ thể, biển báo R.420 - Bắt đầu khu đông dân cư và R.421 - Hết khu đông dân cư.
Trong đó, biển R.420 có tác dụng báo cho người tham gia giao thông biết phạm vi phải tuân theo những quy định đi đường được áp dụng ở khu đông dân cư.
Đoạn đường qua khu vực đông dân cư được xác định bắt đầu bằng biển số R.420 “Bắt đầu khu đông dân cư” và kết thúc bằng biển số R.421 “Hết khu đông dân cư”.
Theo đó, người tham gia giao thông cần lưu ý, chỉ khi nhìn thấy biển R.421 thì biển R.420 mới hết hiệu lực, lúc đó mới có thể bật đèn pha nếu cần thiết.
Trường hợp sử dụng đèn pha không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
* Đối với ô tô:
Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng (điểm b khoản 3 Điều 5).
* Đối với xe máy:
Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (điểm n khoản 1 Điều 6).
Không bật đèn pha khi tránh xe ngược chiều
Điều 17 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định việc tránh xe đi ngược chiều như sau:
- Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình;
- Những trường hợp nhường đường khi tránh nhau:
+ Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
+ Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
+ Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
- Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Như vậy, xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Mức phạt đối với hành vi sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều cũng sẽ bị phạt tiền với mức tương tự hành vi bật đèn pha không đúng nơi quy định.
Một số lưu ý khi sử dụng đèn pha
Theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát giao thông, tùy trường hợp mà người tham gia giao thông có thể dùng đèn pha hoặc đèn cốt cho phù hợp. Dưới đây là một số cách sử dụng đèn pha:
- Với những chiếc xe không có công tắc tắt đèn pha, khi di chuyển vào ban ngày nên chuyển sang chế độ đèn cốt hoặc có thể chuyển sang chế độ đèn sương mù để người đối diện không bị khó chịu và bảo vệ ắc quy.
- Khi sang đường hoặc cần vượt, xin nhường đường hay nhắc nhở xe khác tắt đèn pha thì nên nháy đèn pha.
- Khi di chuyển vào ban đêm ở đường vắng, trên cao tốc… có thể sử dụng đèn pha để tăng tầm quan sát. Tuy nhiên, khi gặp xe ngược chiều hoặc xe cùng chiều nên giảm tốc độ và chuyển sang đèn cốt đến khi vượt được xe cùng chiều hoặc xe đi ngược chiều đã đi qua.
Đặc biệt lưu ý, khi thấy xe đối diện nháy đèn hãy kiểm tra xem đang bật pha hay cốt. Nếu bật pha thì hãy chuyển đèn cốt ngay để đảm bảo an toàn cho các xe khác.
- Không nên lắp các loại đèn pha sai công suất và không đúng chuẩn với chóa đèn của xe khiến lóa mắt và nguy hiểm cho người đi ngược chiều.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.