Dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội
thuộc tính Nghị quyết
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức, Hành chính |
Loại dự thảo: | Nghị quyết |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Nội vụ |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc các quận, thị xã của Hà Nội. Thời gian thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, bắt đầu từ ngày 01 tháng 6 năm 2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm.Tải Nghị quyết
QUỐC HỘI Số: /QH14 DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
Thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
tại các phường thuộc các quận, thị xã của Hà Nội
-----------------
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
Sau khi xem xét Tờ trình số /TTr-CP ngày tháng năm 2019 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số /BC-UBPL14 ngày tháng năm 2019 của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc các quận, thị xã của Hà Nội
(Kèm theo danh sách các phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân)
Điều 2.
Thời gian thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, bắt đầu từ ngày 01 tháng 6 năm 2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm. Tại những nơi thực hiện thí điểm, Hội đồng nhân dân phường kết thúc nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 01 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân mới được thành lập.
Điều 3.
Hội đồng nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường.
2. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật.
3. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở phường; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân phường.
Điều 4.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân phường.
Điều 5.
1. Ủy ban nhân dân phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã; quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp trên; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
2. Ủy ban nhân dân phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân có từ ba đến năm thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
3. Ủy ban nhân phường loại I, loại II có không quá hai phó chủ tịch; Ủy ban nhân dân phường loại III có một phó chủ tịch.
Điều 6.
Ủy ban nhân dân phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 2, 3 Điều 63 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Ủy ban nhân dân quận, thị xã phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.
2. Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân quận, thị xã để trình Hội đồng nhân dân quận, thị xã quyết định.
Căn cứ dự toán ngân sách được giao, quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và dự toán phân bổ ngân sách cấp mình, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách và báo cáo Ủy ban nhân dân quận, thị xã kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương.
Lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân quận, thị xã để trình Hội đồng nhân dân quận, thị xã phê chuẩn.
3. Tổ chức thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự vệ sinh, sạch đẹp khu phố, lòng đường, lề đường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị trên địa bàn.
4. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
Điều 7.
1. Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc các quận, thị xã của thành phố Hà Nội;
b) Quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân;
c) Trình Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề chưa phù hợp hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm;
d) Tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc các quận, thị xã của thành phố Hà Nội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 9.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm 2019.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
|
DANH SÁCH 177 PHƯỜNG THUỘC 12 QUẬN VÀ THỊ XÃ SƠN TÂY CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN PHƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số /QH14 ngày tháng năm 2019 của Quốc hội)
------------------------
DANH SÁCH 177 PHƯỜNG THUỘC 12 QUẬN VÀ THỊ XÃ SƠN TÂY
CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN PHƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số /QH14 ngày tháng năm 2019 của Quốc hội)
------------------------
1. Quận Ba Đình: 14 phường, bao gồm:
Phúc Xá, Ngọc Hà, Đội Cấn, Ngọc Khánh, Kim Mã, Giảng Võ, Thành Công, Cống Vị, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Trúc Bạch, Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực.
2. Quận Hoàn Kiếm: 18 phường, bao gồm:
Đồng Xuân, Cửa Nam, Chương Dương, Phúc Tân, Hàng Buồm, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Trống, Hàng Mã, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Bài, Hàng Gai, Hàng Bồ, Phan Chu Trinh, Hàng Bạc, Hàng Đào.
3. Quận Long Biên: 14 phường, bao gồm:
Ngọc Thụy, Bồ Đề, Đức Giang, Thượng Thanh, Ngọc Lâm, Sài Đồng, Thạch Bàn, Long Biên, Phúc Lợi, Phúc Đồng, Giang Biên, Cự Khối, Gia Thụy, Việt Hưng.
4. Quận Thanh Xuân: 11 phường, bao gồm:
Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Khương Trung, Phương Liệt, Nhân Chính, Khương Mai, Thượng Đình, Khương Đình, Hạ Đình, Kim Giang.
5. Quận Cầu Giấy: 08 phường, bao gồm:
Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Yên Hòa, Trung Hòa.
6. Quận Hoàng Mai: 14 phường, bao gồm:
Đại Kim, Định Công, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai, Mai Động, Lĩnh Nam, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Yên Sở, Trần Phú.
7. Quận Tây Hồ: 8 phường, bao gồm:
Yên Phụ, Phú Thượng, Thụy Khuê, Xuân La, Bưởi, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An.
8. Quận Đống Đa: 21 phường, bao gồm:
Hàng Bột, Văn Chương, Thổ Quan, Phương Liên, Kim Liên, Phương Mai, Khương Thượng, Thịnh Quang, Trung Liệt, Quang Trung, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Láng Thượng, Trung Phụng, Ngã Tư Sở, Trung Tự, Khâm Thiên, Quốc Tử Giám, Cát Linh, Văn Miếu.
9. Quận Hai Bà Trưng: 20 phường, bao gồm:
Đồng Tâm, Trương Định, Minh Khai, Vĩnh Tuy, Bạch Đằng, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Bạch Mai, Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Lê Đại Hành, Ngô Thì Nhậm, Phố Huế, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Đông Mác, Ô Cầu Dền, Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai.
10. Quận Nam Từ Liêm: 10 phường, bao gồm:
Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Phú Đô, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Trung Văn, Phương Canh, Xuân Phương, Cầu Diễn.
11. Quận Bắc Từ Liêm: 13 phường, bao gồm:
Thụy Phương, Liên Mạc, Tây Tựu, Minh Khai, Thượng Cát, Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Đức Thắng, Phúc Diễn, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Phú Diễn.
12. Quận Hà Đông: 17 phường, bao gồm:
Phú Lãm, Phú Lương, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Vạn Phúc, Phúc La, Hà Cầu, Yết Kiêu, Yên Nghĩa, Văn Quán, Mộ Lao, La Khê, Đồng Mai, Dương Nội, Kiến Hưng, Phú La, Biên Giang.
13. Thị xã Sơn Tây: 09 phường, bao gồm:
Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Lê Lợi, Xuân Khanh, Quang Trung, Ngô Quyền, Phú Thịnh, Sơn Lộc, Viên Sơn.