Dự thảo Luật Cư trú lần 2

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Văn bản tiếng việt
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Luật

Dự thảo Luật Cư trú lần 2
Lĩnh vực: Hành chính, Tư pháp-Hộ tịch Loại dự thảo:Luật
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Dự kiến thông qua tại:Kì họp đang cập nhật - Khóa đang cập nhật

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

QUỐC HỘI

---------

Luật số:      /2020/QH14

DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------

 

 

 

LUẬT CƯ TRÚ

-----------

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Cư trú.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện và nhà khác được sử dụng để ở. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

2. Chủ hộ là người đại diện hộ gia đình, do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử bằng văn bản.

3. Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

4. Cơ sở dữ liệu về cư trú là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về cư trú của công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú bao gồm: Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn.

6. Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú và cập nhật thông tin về nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

7. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú và cập nhật thông tin về nơi tạm trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

8. Lưu trú là việc công dân ở lại một nơi thuộc xã, phường, thị trấn trong một khoảng thời gian nhất định dưới 30 ngày, không phải nơi đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

9. Người không có nơi cư trú ổn định là người thường xuyên thay đổi nơi thường trú hoặc tạm trú, thời gian cư trú mỗi nơi dưới 12 tháng liên tục.

10. Nơi thường trú là nơi công dân đã đăng ký thường trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú.

11. Nơi tạm trú là nơi công dân đã đăng ký tạm trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, không phải nơi đã đăng ký thường trú.

12. Nơi thường xuyên sinh sống là nơi thực tế công dân đang sinh sống có thời gian liên tục từ 12 tháng trở lên tại địa bàn xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Quyền tự do cư trú của công dân

1. Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.

2. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Điều 4. Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.

4. Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú, tạm trú tại một nơi.

5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú

1. Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh.

Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.

2. Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho hoạt động đăng ký, quản lý cư trú.

Điều 6. Hợp tác quốc tế trong quản lý cư trú

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý cư trú phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến quản lý cư trú mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

2. Lạm dụng thông tin về nơi thường trú, tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

3. Đưa, nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.

5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú.

6. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.

7. Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

8. Sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú, tạm trú.

9. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

10. Giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

11. Đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

 

Chương II

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG DÂN VỀ CƯ TRÚ

 

Điều 8. Quyền của công dân về cư trú

1. Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vàsở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật.

3. Được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình.

4. Được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trên Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu.

5. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú của bản thân theo yêu cầu.

6. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú

1. Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

2. Người bị Toà án áp dụng hình phạt cấm cư trú; bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người được tha thù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

Điều 10. Trách nhiệm của công dân về cư trú

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú.

2. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú.

Điều 11. Chủ hộ

1. Chủ hộ phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Chủ hộ có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

2. Khi chủ hộ chuyển nơi cư trú khác, bị chết, bị tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì các thành viên hộ gia đình còn lại ở nơi cư trú hiện tại cần thống nhất đề cử chủ hộ mới.

 

Chương III

NƠI CƯ TRÚ

 

Điều 12. Nơi cư trú của công dân

1. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là địa bàn xã, phường, thị trấn người đó đang sinh sống.

Điều 13. Nơi cư trú của người chưa thành niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Điều 14. Nơi cư trú của người được giám hộ

1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.

2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Điều 15. Nơi cư trú của vợ, chồng

1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 16. Nơi cư trú của người học tập, làm việc, công tác trong lực lượng vũ trang

1. Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường quân đội, chiến sĩ nghĩa vụ trong quân đội, công nhân quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân; trừ trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, công chức, công nhân quốc phòng đã có nơi cư trú theo quy định tại Điều 12 của Luật này.

2. Nơi cư trú của sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an là nơi đơn vị của người đó đóng quân; trừ trường hợp sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân Công an đã có nơi cư trú theo quy định tại Điều 12 của Luật này.

Điều 17. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động

1. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại Điều 12 của Luật này.

2. Điều kiện đối với tàu, thuyền, phương tiện lưu động được sử dụng làm nơi cư trú:

a) Phải có đăng ký bến gốc và đăng kiểm theo quy định của pháp luật;

b) Là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đăng ký cư trú hoặc do thuê, mượn.

Điều 18. Nơi cư trú của người hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo

Nơi cư trú của người hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là nơi cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đó được xây dựng, có khu nhà ở dành cho người là nhà tu hành, chức sắc tôn giáo hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa được ở trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 19. Nơi cư trú của người được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ

Nơi cư trú của người được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ là địa chỉ của cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ đó; trường hợp người được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ tại hộ gia đình, cá nhân thì là địa chỉ cư trú của hộ gia đình, cá nhân đó.

Điều 20. Quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú

Người không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn tại nơi sinh sống thường xuyên hoặc nơi ở hiện tại để đăng ký, quản lý và được cấp Giấy xác nhận về việc khai báo cư trú theo yêu cầu.

 

Chương IV

ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ

 

Điều 21. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản với nội dung cho đăng ký thường trú tại địa điểm đang thuê, mượn, ở nhờ.

Điều 22. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp và đã có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

2. Được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú vào địa chỉ thường trú của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng vềvới vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;

c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ là chủ hộ đồng ý bằng văn bản với nội dung đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm đang thuê, mượn, ở nhờ.

6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.

Điều 23. Thủ tục đăng ký thường trú

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi thông tin dân cư; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này;

c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp;

d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu;

đ) Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam;

e) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân Công an nhân dân ở trong doanh trại của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân khi đăng ký thường trú ngoài doanh trại thì phải có giấy giới thiệu hoặc xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của đơn vị mình), trừ trường hợp trước đó đã đăng ký thường trú tại chỗ ở khác ngoài doanh trại;

g) Người sinh sống tại cơ sở tôn giáo khi đăng ký thường trú phải có giấy xác nhận cho cư trú tại cơ sở tôn giáo của người đứng đầu cơ sở hoặc giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo, khi đăng ký thường trú tại các cơ sở tôn giáo phải có giấy tờ chứng minh việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

h) Người được cơ quan, tổ chức, cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có văn bản đề nghị. Văn bản đề nghị cần nêu rõ các thông tin cơ bản của từng người đăng ký thường trú.

3. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan Công an tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, nếu đủ hồ sơ thì cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký, nếu không đủ hồ sơ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời cho người đăng ký bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể Điều này.

Điều 24. Địa điểm không được đăng ký thường trú mới

Không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng;

2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép hoặc chỗ ở mà diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định;

3. Chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau);

4. Chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 25. Xóa đăng ký thường trú

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Ra nước ngoài để định cư theo khai báo của công dân hoặc công dân có thời gian xuất cảnh ra nước ngoài từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú;

c) Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú;

đ) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam; bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

e) Đã được đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới.

g) Người bị phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình.

h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa.

i) Phương án 1: Người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó.

Phương án 2: Không quy định.

2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú.

3. Đối với người bị xóa đăng ký thường trú theo quy định tại các điểm b, d, e, g khoản 1 Điều này được đăng ký lại nơi thường trú trước đây khi trở lại địa phương sinh sống, nếu nơi thường trú trước đây không còn thì được đăng ký thường trú vào địa chỉ của các thành viên hộ gia đình trước khi bị xóa đăng ký thường trú.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thủ tục xóa đăng ký thường trú.

Điều 26. Thay đổi nơi thường trú, điều chỉnh thông tin về nơi thường trú của công dân

1. Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi thường trú.

2. Trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì công dân phải làm thủ tục điều chỉnh thông tin về nơi thường trú.

3. Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong địa chỉ nơi thường trú thì công dân phải đến cơ quan đăng ký, quản lý cư trú để điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

4. Trường hợp có thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào quyết định thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 

Chương V

ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ, THÔNG BÁO LƯU TRÚ,

KHAI BÁO TẠM VẮNG

 

Điều 27. Đăng ký tạm trú

1. Ng­ười đang sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn từ 30 ngày trở lên nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

2. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Bản khai nhân khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở hợp pháp đang cư trú; nộp phiếu báo thay đổi thông tin dân cư; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản với nội dung cho đăng ký tạm trú tại địa điểm đang thuê, mượn, ở nhờ.

3. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này phải cập nhật thông tin về nơi tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi công dân đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại nơi tạm trú theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ 06 tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã giải quyết đăng ký tạm trú phải cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể Điều này.

Điều 28. Lưu trú và thông báo lưu trú

1. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn; trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của hộ gia đình, nhà ở tập thểđại diện gia đình, nhà ở tập thể không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.

2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

3. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể Điều này.

Điều 29. Khai báo tạm vắng

1. Các trường hợp khai báo tạm vắng:

a) Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người được tha thù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú từ 01 ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng;

b) Công dân trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 03 tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng;

c) Công dân đi khỏi địa bàn xã thuộc huyện hoặc quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố nơi cư trú từ 12 tháng trở lên thì phải khai báo tạm vắng.

2. Ng­ười quy định tại khoản 1 Điều này phải khai báo tạm vắng tại Công an xã, ph­ường, thị trấn nơi người đó cư trú. Khi đến khai báo tạm vắng phải xuất trình giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng.

3. Công an xã, ph­ường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn nội dung khai báo, kiểm tra nội dung khai báo, ký xác nhận vào phần phiếu cấp cho người khai báo tạm vắng.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể Điều này.

 

Chương VI

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CƯ TRÚ

 

Điều 30. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú.

3. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ.

Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Công an về quản lý cư trú

1. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú.

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú. Cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này.

4. Ban hành, in ấn và quản lý các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về cư trú.

5. Trang bị máy móc, phương tiện; tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú.

6. Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú.

7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú.

8. Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.

Điều 32. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý cư trú

1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương.

2. Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú.

3. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú.

4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú

1. Niêm yết công khai, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú.

2. Cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Cấp giấy tờ xác nhận về thường trú, tạm trú theo yêu cầu của công dân.

4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.

5. Giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú.

Điều 34. Người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú

1. Người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

2. Người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú trong khi thực hiện nhiệm vụ phải có thái độ, lời nói, cử chỉ nghiêm túc, khiêm tốn, hòa nhã; tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, tài liệu có liên quan và giải quyết đúng thời hạn theo quy định của Luật này; trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc chưa đúng thì hướng dẫn cụ thể, đầy đủ bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc hướng dẫn đó.

Điều 35. Hủy bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật

Trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật này thì thủ trưởng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cấp trên trực tiếp có trách nhiệm hủy bỏ việc đăng ký đó. Căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đã đăng ký thường trú, tạm trú có trách nhiệm thực hiện việc xóa đăng ký thường trú, tạm trú và cập nhật lại nơi thường trú, tạm trú trước đó vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 36. Cơ sở dữ liệu về cư trú

1. Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

2. Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an thống nhất quản lý, được xây dựng tại các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú.

Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.

3. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú

Cơ sở dữ liệu về cư trú gồm các thông tin cơ bản sau:

a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

b) Họ, chữ đệm và tên gọi khác;

c) Ngày, tháng, năm sinh;

d) Giới tính;

đ) Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân;

e) Nơi đăng ký khai sinh;

g) Quê quán;

h) Dân tộc;

i) Tôn giáo;

k) Quốc tịch;

l) Tình trạng hôn nhân;

m) Nơi thường trú;

n) Nơi tạm trú;

o) Tình trạng khai báo tạm vắng;

p) Nơi ở hiện tại;

q) Nghề nghiệp;

r) Nhóm máu, khi công dân có yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

s) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

t) Chủ hộ hoặc mối quan hệ với chủ hộ.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 37. Thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú

1. Việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về cư trú đầy đủ, nhanh chóng, chính xác; bảo đảm an toàn dữ liệu theo đúng nguyên tắc, định dạng hệ cơ sở dữ liệu;

b) Bảo đảm an toàn các thiết bị lưu trữ thông tin, tài liệu về cư trú;

c) Bảo vệ an ninh mạng, an ninh thông tin về cư trú trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin, tài liệu lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; phòng, chống các hành vi tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, phá hoại hoặc làm hư hỏng dữ liệu về cư trú.

2. Việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Mọi sự truy nhập đến Cơ sở dữ liệu về cư trú để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú;

b) Việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 38. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Người nào vi phạm quy định của pháp luật về cư trú thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 39. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân như sau:

“1. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm:

a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

b) Ngày, tháng, năm sinh;

c) Giới tính;

d) Nơi đăng ký khai sinh;

đ) Quê quán;

e) Dân tộc;

g) Tôn giáo;

h) Quốc tịch;

i) Tình trạng hôn nhân;

k) Nơi thường trú;

l) Nơi tạm trú;

m) Tình trạng khai báo tạm vắng;

n) Nơi ở hiện tại;

o) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

p) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

q) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;

r) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.”.

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ... tháng ... năm .......

2. Luật Cư trú số 81/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 41. Quy định chi tiết  

Chính phủ, các cơ quan có liên quan quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày …. tháng …... năm 2020.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI 
Nguyễn Thị Kim Ngân

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi