Đổi CMND sang Căn cước, giao dịch ngân hàng ảnh hưởng gì không?

Thời gian vừa qua, LuatVietnam nhận được nhiều câu hỏi thông qua tổng đài 1900.6192 liên quan đến việc đổi sang Căn cước công dân thì các giao dịch với ngân hàng sử dụng số Chứng minh nhân dân (CMND) cũ sẽ thế nào?

Để làm rõ vấn đề, cần chia thành hai trường hợp như sau:


Thứ nhất: Nếu đổi CMND sang Căn cước công dân mã vạch

Rất nhiều người dân trước đây sử dụng CMND 09 số, khi đổi sang Căn cước công dân 12 số thì số đã thay đổi. Trong khi đó, giao dịch với ngân hàng trước đây sử dụng số CMND cũ, nay đổi sang số mới, làm phát sinh yêu cầu phải có xác nhận số CMND cũ.

Do đó, trước đây, Bộ Công an đã ban hành ra Thông tư 07/2016/TT-BCA (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA) và quy định tại Điều 15 như sau: Nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan công an có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân.

Như vậy, người dân có thể sử dụng Giấy xác nhận số CMND để xuất trình khi làm các thủ tục, giao dịch có sử dụng số CMND cũ, trong đó có giao dịch với ngân hàng.

Bất cập lớn nhất của Giấy xác nhận số CMND ở chỗ đây chỉ là một mảnh giấy A4, rất dễ nhàu nát khi gấp bỏ trong ví hoặc gặp nước cũng dễ dàng hư hỏng. Do đó, rất bất tiện cho người dân khi cần bảo quản để sử dụng Giấy này lâu dài.

Riêng với trường hợp người dân sử dụng CMND 9 số vẫn còn rõ nét mà hết hạn hoặc có nhu cầu đổi sang Căn cước công dân, thì khi đi làm thủ tục, người dân sẽ được trả lại CMND cũ cắt góc. Người dân có thể sử dụng CMND cắt góc này để xác nhận, đối chiếu nếu giao dịch với ngân hàng trước đó sử dụng số CMND cũ.

doi sang can cuoc giao dich ngan hang co anh huong gi khong

Đổi sang Căn cước, giao dịch ngân hàng ảnh hưởng gì không? (Ảnh minh họa)


Thứ hai: Nếu đổi CMND sang Căn cước công dân gắn chip

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành ra Thông tư 59/2021/TT-BCA - có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 hướng dẫn Luật Căn cước công dân, thay thế cho Thông tư 40/2019/TT-BCA.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này quy định như sau:

1. Mã QR code trên thẻ Căn cước công dân có lưu thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân.

2. Trường hợp trong mã QR code trên thẻ Căn cước công dân không có thông tin về số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ cho công dân khi có yêu cầu.

Theo đó, người dân không cần phải xin Giấy xác nhận số CMND cũ và cũng không cần phải cung cấp Giấy này khi giao dịch với ngân hàng, mà chỉ cần xuất trình Căn cước công dân gắn chip, nhân viên ngân hàng sẽ quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân, từ đó biết được thông tin về số CMND cũ.

Cũng theo Thông tư này, mọi CMND cũ khi đổi sang Căn cước công dân gắn chip sẽ bị thu hồi, thay vì được cắt góc và trả lại như trước đây (đối với trường hợp CMND còn rõ nét).

Như vậy, từ ngày 01/7/2021, người dân không cần có Giấy xác nhận số CMND cũng không cần CMND cắt góc để đối chiếu với số CMND cũ khi làm thủ tục với ngân hàng, bởi mã QR trên Căn cước công dân gắn chip đã lưu thông tin này.

Lưu ý, mặc dù Thông tư 59 được Bộ Công an ban hành ngày 15/5/2021 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 nhưng việc cấp Căn cước công dân gắn chip đã được triển khai từ ngày 01/01/2021. Ở nhiều địa phương đã không còn cấp Giấy xác nhận số CMND từ thời điểm này.

Kết luận: Nếu đổi từ CMND sang Căn cước công dân, giao dịch với ngân hàng về cơ bản không có ảnh hưởng gì. Trước đây, người dân có thể sử dụng Giấy xác nhận CMND hoặc CMND cắt góc; còn nếu đã đổi sang Căn cước công dân gắn chip thì nhân viên ngân hàng sẽ quét mã QR trên thẻ để đối chiếu CMND cũ.

Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192. 

>> Thẻ Căn cước công dân: 10 điều người dân nên biết 

>> 5 điểm mới khi làm Căn cước công dân gắn chip từ 1/7/2021

Đánh giá bài viết:
(7 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục