Thực tế, người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch đều phải điểm chỉ (lăn tay) sau khi đã ký tên. Việc theo quy định của luật, có bắt buộc điểm chỉ trong công chứng hợp đồng không?
1. Có bắt buộc điểm chỉ trong công chứng hợp đồng không?
Điểm chỉ hay còn gọi là lăn tay được hiểu là việc lăn ngón tay dính mực vào văn bản, giấy tờ, trên đó sẽ có dấu vân tay của người điểm chỉ.
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng năm 2014, điểm chỉ không phải thủ tục bắt buộc trong mọi hợp đồng, giao dịch công chứng mà chỉ có một số trường hợp bắt buộc phải thực hiện thủ tục này. Cụ thể:
- Trường hợp bắt buộc phải thực hiện điểm chỉ thay cho việc ký: Người yêu cầu công chứng, người làm chứng hoặc người phiên dịch không ký được bởi vì nguyên nhân là do khuyết tật hoặc do không biết ký.
- Trường hợp không bắt buộc phải điểm chỉ nhưng có thể thực hiện điểm chỉ: Khi thực hiện công chứng di chúc hoặc do người yêu cầu công chứng đề nghị thực hiện điểm chỉ trong văn bản công chứng hoặc khi công chứng viên thấy cần thiết phải thực hiện việc điểm chỉ và coi đây là thủ tục cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Trong trường hợp này, người yêu cầu công chứng có thể thực hiện mình việc điểm chỉ hoặc có thể kết hợp đồng thời cả điểm chỉ và ký.
Như vậy, điểm chỉ là không bắt buộc đối với mọi trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch mà chỉ có một trong các trường hợp nêu trên là bắt buộc.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, hầu hết các công chứng viên đều yêu cầu các bên phải điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch thay vì chỉ ký, ghi rõ họ tên.
Việc sử dụng điểm chỉ song song với việc ký tên sẽ thêm phần chắc chắn và cũng không quá phiền toái, mọi người nên thực hiện để giảm thiểu rủi ro pháp lý không đáng có.
2. Lưu ý khi điểm chỉ trong công chứng
2.1 Cách điểm chỉ trong văn bản công chứng
Tại khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng hiện hành, việc điểm chỉ được hướng dẫn chi tiết như sau:
Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải. Nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái.
Trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ bằng ngón nào của bàn tay nào.
Bởi trên các giấy tờ nhân thân, cụ thể là Căn cước công dân hoặc hộ chiếu, ngón tay được lấy dấu vân tay là ngón trỏ trái và ngón trỏ phải.
Do đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng sử dụng ngón trỏ để lấy vân tay điểm chỉ trong văn bản công chứng nhằm thuận tiện cho việc đối chiếu, xác minh chính xác người điểm chỉ.
Cụ thể, khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng sẽ thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Đặt ngón trỏ (ngón tay dự kiến sẽ điểm chỉ) lên hộp mực dấu. Trong đó, phần mực phải bao trọn được toàn bộ dấu vân tay của ngón tay dự kiến sẽ dùng để điểm chỉ.
Bước 2: Tại vị trí điểm chỉ được chỉ định (thông thường sẽ là ở ngay bên cạnh chữ ký, ghi rõ họ tên hoặc có thể ở dưới chữ ký, ghi rõ họ tên - nếu mục đó chỉ có chữ ký của một người), người yêu cầu công chứng lăn ngón tay từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái làm sao để dấu mực hiện lên trang giấy thể hiện đầy đủ dấu vân tay của người yêu cầu công chứng.
Bước 3: Sau khi đã lăn tay xong, công chứng viên thường phải ghi rõ, đó là ngón tay nào của bàn tay nào của người nào để dễ dàng phân biệt các ngón tay cũng như dấu vân tay của các đối tượng khác nhau tham gia hợp đồng, giao dịch.
Ví dụ như: Ngón trỏ trái của ông Nguyễn Văn A, ngón giữa phải của bà Nguyễn Thị B…
2.2 Mực điểm chỉ sử dụng màu nào?
Hiện các văn bản pháp luật không quy định cụ thể mực điểm chỉ bắt buộc phải sử dụng màu nào. Dù vậy, trong thực tế, các tổ chức hành nghề công chứng thường sử dụng mực màu đen, một số nơi còn có thể sử dụng màu xanh hoặc màu đỏ.
Tuy nhiên, dù sử dụng mực điểm chỉ màu nào thì vẫn phải đảm bảo dấu vân tay được lấy rõ nét, không bị nhoè, dấu mực khô nhanh trên giấy, không thấm giấy và đảm bảo không bị phai màu.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Có bắt buộc điểm chỉ trong công chứng hợp đồng? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.