Đi vào làn đường BRT bị phạt bao nhiêu tiền?

Xe buýt nhanh Hà Nội (Hanoi BRT) được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người vẫn chưa biết cách tham gia giao thông khi đi trên đường có làn BRT sao cho đúng và mức xử phạt khi đi vào làn đường này.

Khung giờ nào được đi vào làn đường BRT?

Theo Quy chuẩn 41:2019 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe nhoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h). Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy.

Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).

Trong đó, biển số R.412a "Làn đường dành cho xe ô tô khách": làn đường dành riêng cho ô tô khách (kể cả ô tô buýt). Khi báo hiệu làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh, bổ sung thêm cụm từ “BRT” trên biển R.412a.

Thực tế, hiện nay trên các tuyến phố Hà Nội, các làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT) đều có đặt biển R.412a, phía dưới có vạch sơn kẻ đường.

Vì thế, đây là làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT). Các phương tiện khác không được phép đi vào làn đường này.

Hiện tại, Hà Nội cũng chưa có quy định cho phép các phương tiện khác đi vào làn đường BRT dù là giờ cao điểm hay thấp điểm, ngày thường hay ngày cuối tuần, lễ, Tết. Vì thế, bất kể khung giờ nào, các phương tiện khác đều không được đi vào làn đường BRT.

Đi vào làn đường BRT bị phạt bao nhiêu tiền?
Đi vào làn đường BRT bị phạt bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa)

Đi vào làn đường BRT bị phạt bao nhiêu tiền?

Khoản 1 Điều 13 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Vì vậy, xe máy, ô tô, thậm chí cả xe đạp đi vào làn đường BRT sẽ bị xử phạt lỗi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ.

Cụ thể như sau:

- Mức phạt với ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định: 03 - 05 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

- Mức phạt với xe máy: 400.000 - 600.000 đồng;

- Mức phạt với xe đạp: 80.000 - 100.000 đồng.

Mức phạt đối với lỗi này tăng mạnh so với Nghị định 46/2016, đặc biệt với ô tô.

Mặc dù xử phạt nghiêm khắc như vậy, nhưng trong khung giờ cao điểm tại Hà Nội, làn đường BRT dường như vẫn bị “nhấn chìm” bởi các loại phương tiện giao thông khác. Buýt nhanh bỗng nhiên thành “buýt chậm”, khiến hiệu quả hoạt động của phương tiện này không cao.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, tại các trạm BRT hầu hết đều có camera giao thông, được sử dụng để phạt nguội các phương tiện đi vào làn đường này. Mặc dù, không nhìn thấy lực lượng chức năng đứng điều tiết giao thông hay xử phạt, nhưng các phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô) hoàn toàn có thể bị phạt nguội nếu cố tình đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT.

>> Phân biệt lỗi sai làn và lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.