Đèn xe hỏng khi đang đi đường có bị phạt không?

Khi tham gia giao thông phải có đủ đèn chiếu sáng và bắt buộc phải bật đèn xe theo đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, nếu đang đi đường mà đèn xe đột nhiên bị hỏng thì có bị phạt không?

3 trường hợp bắt buộc phải bật đèn xe

Hệ thống đèn xe có vai trò rất quan trọng khi đang đi trên đường, đặc biệt trong điều kiện trời tối và không có đèn đường chiếu sáng. Nó giúp người lái xe dễ dàng quan sát và tránh các chướng ngại vật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, khi tham gia giao thông phải có đủ đèn chiếu sáng và bắt buộc phải bật đèn xe theo đúng thời gian quy định. Theo đó, bắt buộc phải bật đèn xe:

- Trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h ngày hôm sau.

- Khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

- Trong hầm đường bộ.

Tuy nhiên, Điều 12 Luật Giao thông đường bộ cấm sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị và khu đông dân cư trừ các xe có quyền ưu tiên làm nhiệm vụ.

Bởi đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh, tầm nhìn rộng và thường chỉ sử dụng trên đường cao tốc. Nếu đi trong nội thành và khu đông dân cư sẽ khiến người ngược chiều bị lóa mắt và dễ xảy ra tai nạn.

Do đó, sau 19h tối, bắt buộc các loại xe đều phải bật đèn, lưu ý, nếu đi trong khu đô thị đông dân cư hoặc khu vực nội thành thì chỉ được bật đèn chiếu gần mà không được bật đèn chiếu xa.

Đèn xe hỏng khi đang đi đường

Đèn xe hỏng khi đang đi đường có bị phạt không? (Ảnh minh họa)


Đang đi đường mà xe bị hỏng đèn thì có bị phạt không?

Tại Điều 53 Luật Giao thông đường bộ nêu rõ, điều kiện để xe ô tô, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy được phép tham gia giao thông là phải có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.

Do đó, khi đi đường, bắt buộc người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ bật đèn trong các trường hợp quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định không xử phạt trong trường hợp gặp sự kiện bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng. Theo đó,

- Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra (khoản 13 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (khoản 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Như vậy, trường hợp đèn xe bị hỏng trong thời gian phải bật đèn xe nhưng người điều khiển phương tiện giao thông không biết trước hoặc không thể biết thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nhưng để được áp dụng điều này thì người điều khiển xe phải chứng minh được việc không bật đèn xe là do sự kiện bất ngờ hoặc là sự việc bất khả kháng.

Ngược lại, nếu không chứng minh được thì người điều khiển xe có thể bị phạt tiền với mức:

- Với xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng (điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định 100);

- Với xe mô tô, gắn máy: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 100).

Do đó, khi đang đi đường, đèn xe bị hỏng người lái xe vẫn có thể bị phạt nếu không chứng minh được đây là sự việc bất ngờ, bất khả kháng. Để tránh rủi ro, nguy hiểm người lái xe phải để ý và bảo dưỡng xe của mình để đảm bảo phương tiện không bị hỏng hóc, thiếu thiết bị.

>> 4 lỗi vi phạm đèn xe ai cũng từng “dính” ít nhất một lần

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục