1. Danh tính điện tử là gì?
Khoản 13 Điều 3 Luật Căn cước 2023 có quy định, danh tính điện tử của công dân Việt Nam là một số thông tin liệt kê dưới đây của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho phép xác định duy nhất người đó trên môi trường điện tử thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử và để tạo lập căn cước điện tử:
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Ảnh khuôn mặt;
- Vân tay.
Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử:
1. Danh tính điện tử là thông tin của một cơ quan hoặc một tổ chức hoặc một cá nhân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân, cơ quan, tổ chức đó trên môi trường điện tử.
Điều luật này còn quy định chủ thể danh tính điện tử được xác định gắn với danh tính điện tử gồm:
- Cơ quan, tổ chức
- Cá nhân
Như vậy có thể hiểu danh tính điện tử chính là thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất một cá nhân, một cơ quan, tổ chức đó trên môi trường điện tử.
Danh tính điện tử của mỗi cá nhân là không ai giống ai và danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức cũng hoàn toàn khác nhau.
2. Danh tính điện tử gồm những thông tin nào?
Theo quy định tại Nghị định 69/2024/NĐ-CP thì danh tính điện tử gồm có:
- Danh tính điện tử của công dân Việt Nam
- Danh tính điện tử người nước ngoài
- Danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức
Về thông tin của danh tính điện tử, theo quy định tại Nghị định 69 như sau:
Chủ danh tính điện tử | Danh tính điện tử của công dân Việt Nam (khoản 3 Điều 13 Nghị định 69) | Danh tính điện tử người nước ngoài (khoản 1 Điều 5 Nghị định 69) | Danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức (khoản 1 Điều 6 Nghị định 69) |
Thông tin định danh điện tử | - Số định danh cá nhân; - Họ, chữ đệm và tên khai sinh; - Ngày, tháng, năm sinh; - Giới tính; - Ảnh khuôn mặt; | - Số định danh của người nước ngoài; - Họ, chữ đệm và tên; - Ngày, tháng, năm sinh; - Giới tính; - Quốc tịch; - Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm và nơi cấp của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; - Ảnh khuôn mặt; - Vân tay. | - Số định danh của cơ quan, tổ chức; - Tên cơ quan, tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); - Ngày, tháng, năm thành lập; - Địa chỉ trụ sở chính; - Mã số thuế (nếu có); - Mã số doanh nghiệp (nếu có); - Mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức (nếu có); - Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân (hoặc số định danh của người nước ngoài) của người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử cho cơ quan, tổ chức. |
Trong đó:
- Số định danh của công dân Việt nam là số thẻ Căn cước công dân/thẻ Căn cước (12 số), được cấp cho mỗi công dân từ khi sinh ra đến khi mất, không lặp lại ở người khác.
- Số định danh của người nước ngoài là dãy số tự nhiên duy nhất do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập để quản lý danh tính điện tử của một cá nhân người nước ngoài.
- Số định danh của cơ quan, tổ chức là dãy số tự nhiên duy nhất do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập để quản lý danh tính điện tử của một cơ quan, tổ chức.
3. Danh tính điện tử dùng để làm gì?
Như nội dung trên, có thể hiểu danh tính điện tử chính là thông tin cho phép xác định duy nhất một cá nhân, một cơ quan, tổ chức đó trên môi trường điện tử trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Tại Điều 9 Nghị định 69/2024/NĐ-CP có nêu rõ:
Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực và sử dụng các tính năng, tiện ích trên:
- Ứng dụng định danh quốc gia, trang thông tin định danh điện tử có địa chỉ dinhdanhdientu.gov.vn
- Hoặc vneid.gov.vn
- Hoặc các tiện ích khác trên các ứng dụng, phần mềm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đã được kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Thông tin về danh tính điện tử và thông tin tích hợp trên căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử có giá trị chứng minh, tương đương với việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng, xuất trình giấy tờ, tài liệu có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Như vậy, có thể thấy thông tin danh tính điện tử có thể được dùng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch...; có giá trị chứng minh, tương đương với việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng/xuất trình giấy tờ, tài liệu có chứa thông tin đó.
Trên đây là thông tin Danh tính điện tử là gì? Danh tính điện tử dùng làm gì?