Dùng Căn cước gắn chip, có phải mang theo giấy tờ khác khi làm thủ tục?

Khi Căn cước công dân (CCCD) gắn chip ra đời, hứa hẹn sẽ “giảm tải” nhiều giấy tờ mà người dân phải mang trong ví. Vậy, khi đã có CCCD gắn chip mà đi làm các thủ tục hành chính, người dân có phải mang theo các giấy tờ khác (như Sổ hộ khẩu, giấy khai sinh) hay không?

Giấy tờ chứa thông tin đã có trên CCCD

Căn cứ khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014:

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Theo đó, các thông tin “quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này” bao gồm:

- Chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

- Ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

- Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ, cơ quan cấp thẻ.

Như vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu công dân xuất trình CCCD thì công dân không phải mang theo các giấy tờ khác để chứng minh những thông tin trên thẻ. Chẳng hạn, yêu cầu xuất trình CCCD để xác nhận ngày sinh thì không được yêu cầu mang thêm giấy khai sinh; yêu cầu xuất trình CCCD để xác nhận thường trú thì không được phép yêu cầu thêm Sổ hộ khẩu…

Lưu ý: Nếu cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu công dân xuất trình CCCD mà yêu cầu xuất trình luôn các giấy tờ khác thì công dân vẫn phải tuân thủ yêu cầu này.


Dùng CCCD gắn chip có phải mang theo giấy tờ khác? (Ảnh minh họa)

Giấy tờ chứa thông tin mà thẻ CCCD không có

Trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã liên tục có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu để tích hợp thông tin, giấy tờ trên thẻ CCCD gắn chip.

Cụ thể, tại Công văn 8393/VPCP-NC, Thông báo 395/TB-VPCP, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với Bộ Công an tích hợp các dữ liệu cần thiết vào thẻ Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và tiết kiệm cho bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc tích hợp thông tin gì vào CCCD gắn chip, bao giờ tích hợp vẫn chưa được xác định cụ thể. Có thể nói, trên thẻ CCCD gắn chip hiện nay chỉ có các thông tin thu thập được trong quá trình làm thẻ.

Vì thế, nếu đi làm thủ tục hành chính mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin không có trên thẻ CCCD thì công dân vẫn phải mang theo khi thực hiện thủ tục.

Lưu ý: Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào hoạt động mà công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 Luật CCCD).

Hiện nay, thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 9 Luật CCCD, sửa đổi, bổ sung tại Luật Cư trú 2020.

Tương lai, không phải mang theo nhiều giấy tờ khi đã có CCCD

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Hãng Luật TGS- (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Căn cước công dân gắn chíp là một xu hướng của thế giới và được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam. Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 thì Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Ngoài ra, thời gian tới, Căn cước công dân gắn chíp sẽ được tích hợp đầy đủ các thông tin như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe,… Khi đó, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ chỉ cần mang Căn cước công dân đã được tích hợp những thông tin liên quan đến thủ tục mình thực hiện mà không phải mang theo giấy tờ khác. Đây là một trong những ưu điểm lớn của Căn cước công dân có gắn chíp, mang lại nhiều thuận lợi cho công dân và cả các cơ quan, tổ chức trong quá trình giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Căn cước công dân gắn chip thay thế những giấy tờ gì?

>> Bị thu hồi sổ hộ khẩu, người dân thực hiện thủ tục thế nào?

>> Xem các nội dung khác về Căn cước công dân gắn chip tại đây

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục