Như LuatVietnam đã trình bày, người không có hộ khẩu thường trú không làm được Căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Vậy, đối với những người đi làm ăn xa, đã bị xóa hộ khẩu, giải pháp nào cho họ để được làm thẻ?
Phải đăng ký thường trú lại để được cấp hộ khẩu
Theo Luật Căn cước công dân 2014, thẻ CCCD là loại giấy tờ tùy thân của công dân, trên đó ghi nhận thông tin nơi thường trú của người dân. Vì vậy, để được cấp thẻ CCCD, người dân cần phải có nơi đăng ký thường trú (sổ hộ khẩu). Trường hợp đã bị xóa hộ khẩu, người dân cần phải nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) trở lại để được giải quyết cấp CCCD.
Hồ sơ đăng ký thường trú hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013.
“1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ trên yêu cầu giấy chuyển hộ khẩu, nhưng do đã bị xóa thường trú, công dân không xin cấp được giấy này, nên có thể yêu cầu Công an cấp xác nhận đã đăng ký thường trú.
Điều 13 Thông tư 35/2014 của Bộ Công an quy định xác nhận việc trước đây công dân đã đăng ký thường trú như sau:
1. Thẩm quyền xác nhận: Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì có thẩm quyền xác nhận việc công dân trước đây đã có hộ khẩu thường trú.
2. Hồ sơ đề nghị xác nhận bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh công dân trước đây có hộ khẩu thường trú (nếu có).
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp không xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nội dung xác nhận bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên, tên gọi khác (nếu có), ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, ngày, tháng, năm đăng ký thường trú, ngày, tháng, năm xóa đăng ký thường trú.
Khi có giấy xác nhận này người dân tiến hành làm thủ tục nhập hộ khẩu, sau đó làm CCCD.
Lưu ý: Từ ngày 01/7/2021, khi Luật Cư trú mới có hiệu lực, thủ tục nhập hộ khẩu có một số thay đổi, thực hiện theo Điều 21, 22 Luật Cư trú 2020. Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về trường hợp nhập lại hộ khẩu khi đã bị xóa. LuatVietnam sẽ cập nhật đến bạn đọc sớm nhất ngay khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn.
Làm Căn cước công dân gắn chip thế nào khi bị xóa hộ khẩu (Ảnh minh họa)
Thủ tục làm CCCD sau khi đã nhập hộ khẩu
Ngay sau khi nhập lại hộ khẩu thường trú thành công, người dân có thể mang sổ hộ khẩu, thẻ Chứng minh nhân dân cũ lên công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục cấp CCCD gắn chip.
Nếu thông tin trên Tờ khai cấp CCCD chưa khớp với thông tin trên hộ khẩu và Chứng minh nhân dân cũ, người dân cần mang thêm giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác để đối chiếu và xác nhận thông tin.
Xem thêm: Thủ tục làm CCCD gắn chip mới nhất
Nếu còn thắc mắc về Căn cước công dân gắn chip hoặc bất cứ vấn đề pháp lý nào khác, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được giải đáp.
>> Xem các Video về Căn cước công dân gắn chip tại đây