CSGT có được giữ Căn cước công dân của người vi phạm?

Khi Cảnh sát giao thông (CSGT) tham gia tuần tra, kiểm soát phương tiện vi phạm giao thông có thể giữ một số giấy tờ để đảm bảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành.
Câu hỏi: LuatVietnam cho em hỏi là em bị CSGT giữ Căn cước công dân do đi xe máy ngược chiều, vì lúc đó em chưa có tiền nên CSGT giữ Căn cước công dân để em về nhà lấy tiền nhưng em không ra để nộp phạt và lấy lại Căn cước công dân nữa. Đến nay đã 03 tháng rồi. Em muốn hỏi CSGT giữ Căn cước của em có đúng không? Bây giờ em muốn lấy lại Căn cước công dân thì đi làm lại hoặc vẫn phải lên Phòng CSGT? Em xin cảm ơn.

Chào bạn. Câu hỏi của bạn, LuatVietnam xin được hỗ trợ bạn như sau:

Mức phạt với lỗi đi ngược chiều

Ở đây, bạn không mô tả chi tiết lỗi của mình nên chúng tôi thành 02 trường hợp như sau để bạn đối chiếu với hành vi:

- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019);

- Điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, mức phạt 01 - 02 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 - 03 tháng (khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019).


CSGT có được giữ Căn cước công dân của người vi phạm? (Ảnh minh họa)

CSGT giữ Căn cước công dân có đúng luật?

Theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019:

Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

Bạn không trình bày trong thời điểm bạn vi phạm giao thông có mang đăng ký xe, bằng lái xe... hay không nên chúng tôi không thể trả lời việc CSGT giữ Căn cước công dân của bạn có đúng thứ tự thu giữ giấy tờ hay không.

Thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông

Theo Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.

Theo Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Trong đó:

- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ…

Như vậy, hành vi vi phạm hành chính của bạn chưa hết thời hiệu xử phạt. Thời điểm này, bạn đến cơ quan CSGT giữ giấy tờ của bạn để ký quyết định xử phạt, nộp phạt theo quy định của pháp luật và lấy lại Căn cước công dân nhé.

Trên đây là giải đáp việc CSGT có được giữ Căn cước công dân/CMND của người vi phạm không, Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 .6192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(9 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục