CSGT có phải chào người vi phạm khi dừng xe kiểm tra không?

Theo quy định, CSGT có phải chào người vi phạm không? Thực tế không hiếm trường hợp người dân lấy lý do Cảnh sát giao thông (CSGT) không chào mình để vặn vẹo, từ chối hợp tác khi bị dừng xe kiểm soát giao thông.

1. CSGT có phải chào người vi phạm không?

Theo quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của CSGT được ghi nhận tại Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA, khi dừng xe người vi phạm, CSGT không phải nói lời chào đối với người vi phạm.

Thay vào đó, CSGT chỉ cần thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân. Thậm chí, trường hợp biết trước người tham gia giao thông thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, CSGT còn không cần chào người vi phạm bằng bằng Điều lệnh Công an.

Trước đây, theo quy định cũ tại Thông tư 65/2020/TT-BCA (có hiệu lực đến hết ngày 14/9/2023), khi dừng phương tiện để kiểm soát, CSGT phải làm động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...”, sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.

Nhưng với quy định mới, CSGT chỉ cần chào theo điều lệnh sau đó thông báo cho người điều khiển phương tiện biết lý do kiểm soát rồi thực hiện việc kiểm tra theo quy định.

CSGT có phải chào người vi phạm không?
CSGT có phải chào người vi phạm không? (Ảnh minh họa)

2. Quy trình dừng xe xử phạt của CSGT được tiến hành thế nào?

Quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông được quy định tại Mục 2 Chương III Thông tư 32/2023/TT-BCA như sau:

Bước 1. CSGT ra hiệu lệnh dừng xe.

CSGT ra hiệu lệnh dừng xe bằng cách sử dụng một trong các công cụ như: Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện tuần tra, kiểm soát; biển báo hiệu, cọc tiêu, rào chắn.

Hướng dẫn người tham gia giao thông dừng xe vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.

Bước 2. CSGT đề nghị tài xế xuống xe.

Bước 3. CSGT chào người tham gia giao thông theo Điều lệnh Công an.

Bước 4. CSGT thông báo lý do dừng xe và yêu cầu xuất trình giấy tờ.

CSGT thông báo cho người điều khiển phương tiện và những người trên xe biết lý do kiểm soát; sau đó, đề nghị tài xế và những người trên xe xuất trình các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.

Nếu thông tin giấy tờ đã có trên tài khoản định danh điện tử để thì người dân có thể mở ứng dụng VNeID cho CSGT kiểm tra.

Bước 5. CSGT tiến hành kiểm soát người và xe.

Các nội dung kiểm soát giao thông bao gồm:

(1) Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.

(2) Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện.

(3) Kiểm soát việc chấp hành các quy định về an toàn vận tải.

(4) Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Bước 6. Thông báo lỗi vi phạm.

Sau khi kết thúc việc kiểm soát, CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm tra, thông báo cho tài xế và những người trên xe biết kết quả kiểm tra, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý.

Bước 7. CSGT lập biên bản vi phạm hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ.

Quy trình dừng xe của CSGT thế nào?
Quy trình dừng xe của CSGT thế nào? (Ảnh minh họa)

3. CSGT có được thu tiền phạt tại chỗ không?

Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, các hành vi phạm vi phạm giao thông bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức sẽ không bị lập biên bản. Thay vào đó, CSGT sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Lúc này, người vi phạm có sẽ tiến hành nộp phạt trực tiếp cho CSGT ra quyền xử phạt vi phạm hành chính (theo điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).

Như vậy, CSGT hoàn toàn có quyền thu tiền phạt tại chỗ đối với các lỗi vi phạm giao thông bị phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “CSGT có phải chào người vi phạm không?” Nếu còn thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ tới tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục