BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ---------------- Số: 8604/BGTVT-PC V/v: Tổng kết 7 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2011 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Bộ, ngành; - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2005. Sau 7 năm thực hiện, Luật đã phát huy tốt tác dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa nói riêng và giao thông vận tải nói chung.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, hệ thống pháp luật Việt Nam và thế giới, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Giao thông đường thủy nội địa đã phát sinh một số vấn đề cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời. Ngày 12/7/2011, Bộ Giao thông vận tải có văn bản số 4152/BGTVT-PC về việc đăng ký Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa trình Chính phủ vào tháng 3/2013, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2013 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2014. Ngày 26/11/2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa được đưa vào Chương trình chính thức của Quốc hội.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa có tác động nhất định đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước. Vì vậy, ngoài việc quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Bảo đảm tính kế thừa nội dung điều chỉnh của Luật, chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ hoặc còn thiếu thống nhất; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập của ngành giao thông vận tải.
2. Đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.
4. Việc vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật nước ngoài phải phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và xu thế, thực tiễn của hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa trong nước.
Theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tiến hành tổng kết 7 năm thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa để có cơ sở đề nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giao thông đường thủy nội địa hiện hành.
Nội dung tổng kết tập trung vào những vấn đề sau:
1. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa (có danh mục văn bản đã ban hành kèm theo);
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa;
3. Tình hình thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa trong xã hội, trong cơ quan, đơn vị; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa;
4. Việc thi hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; những điều chưa phù hợp, vướng mắc của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
5. Những nội dung kiến nghị, đề xuất cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Thời gian tổng kết 7 năm thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành trước ngày 15/01/2012.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung trên để có kế hoạch tiến hành tổng kết đúng tiến độ, bảo đảm cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa đạt yêu cầu đề ra.
Báo cáo Tổng kết 7 năm thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đề nghị gửi về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải, địa chỉ: 80 - Trần Hưng Đạo - Hà Nội (fax: 04.39420788, 04.39421888; email: [email protected]; điện thoại: 04.22104706) trước ngày 20/01/2012. Bộ Giao thông vận tải xin chân thành cảm ơn và mong nhận được sự hợp tác của các địa phương, cơ quan, đơn vị./.
Nơi nhận: - Như trên; - Văn phòng Chính phủ; - Các Thứ trưởng; - Các Sở GTVT; (để góp ý kiến) - Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ; (để góp ý kiến) - TCty Vận tải thủy; (để góp ý kiến) - TCty Đường sông miền Nam; (để góp ý kiến) - Hội Vận tải thủy; (để góp ý kiến) - Website Bộ GTGT; - Lưu: VT, PC (viet). | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |