Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 730/TP-PBGDPL của Bộ Tư pháp về phổ biến pháp lệnh Phòng, chống mại dâm
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 730/TP-PBGDPL
Cơ quan ban hành: | Bộ Tư pháp | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 730/TP-PBGDPL | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Nguyễn Duy Lãm |
Ngày ban hành: | 03/06/2003 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính |
tải Công văn 730/TP-PBGDPL
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 730/TP-PBGDPL | Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2003 |
Kính gửi :
| - Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Ngày 17 tháng 3 năm 2003. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Ngày 31 tháng 3 năm 2003, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 10/2003/L/CTN công bố Pháp lệnh. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thể hiện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống mại dâm. Sự ra đời của Pháp lệnh góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội biên soạn đề cương giới thiệu Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm để làm tài liệu giúp các Sở Tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành tổ chức phổ biến, giới thiệu Pháp lệnh này. Đề nghị các Sở Tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành phối hợp với các cơ quan chức năng quán triệt và phổ biến Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm một cách sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân.
| TL/ BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
BỘ TƯ PHÁP BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua ngày 17 tháng 3 năm 2003 tại phiên họp thứ 7. Ngày 31 tháng 3 năm 2003, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 10/2003/L/CTN công bố Pháp lệnh.
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được ban hành với mục đích góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
1. Thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm
Hiện nay số đối tượng có hành vi bán dâm theo ước tính ở các địa phương khoảng 51.000 người, tăng 0.9% so với năm 2001. So sánh số đối tượng có hồ sơ quản lý với số ước tính, tỷ lệ quản lý được chỉ chiếm 32,7%. Thực tế này cho thấy việc kiểm soát và ngăn chặn hoạt động mại dâm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn, các khu du lịch, nghỉ mát và đang có xu hướng lây lan đến các vùng ven đô, các địa bàn giáp ranh, các khu công nghiệp, các tuyến giao thông đường bộ, các công trình xây dựng... Tình hình tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài làm mại dâm ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của các địa phương, tình hình mại dâm là người chưa thành niên vẫn tiếp tục gia tăng do bọn chủ chứa, môi giới biết rằng theo pháp luật chính quyền không thể đưa những đối tượng này vào cơ sở chữa bệnh được. Các đối tượng này sau khi bị bắt phải thả ra thì hầu hết lại tái phạm.
Tình trạng người bán dâm nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương. Trong số các đối tượng đang được quản lý tại các cơ sở chữa bệnh có 24,4% nhiễm HIV/AIDS và 19,9% nghiện ma tuý. Tỷ lệ nhiễm HIV.AIDS ở trung tâm một số tỉnh rất cao như: Cần Thơ (59.5%), Hà Nội (48,5%), thành phố Hồ Chí Minh (34,1%), Hải Phòng (24,2%). Tỷ lệ nghiên ma tuý ở trung tâm Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh là 36%, trung tâm 05 - Hải Phòng là 42,4%...
Đối tượng bán dâm là nam giới, pêđê cũng đang diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng lan nhanh ở một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Đã xuất hiện những ổ chức mại dâm nam hoạt động chặt chẽ, có tổ chức với quy mô lớn.
Năm 2002, lực lượng và các cơ quan chức năng đã tổ chức triệt phá 1.296 vụ tổ chức hoạt động mại dâm (giảm 18% so với năm 2001), bắt 5.599 đối tượng có liên quan, trong đó có 983 chủ chứa và môi giới, 3.203 đối tượng bán dâm, 1.413 người mua dâm. Nhiều tụ điểm, ổ nhóm mại dâm phức tạp ở một số địa phương đã được triệt phá.
Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao trong năm 2002 đã thụ lý và xét xử:
- Tội chứa mại dâm: phát hiện và khởi tố 861 vụ/1074 bị can, giảm 105 vụ/1074 bị can so với cùng kỳ năm 2001. Đã xét xử 594 vụ với 760 bị cáo, trong đó, án treo: 60 bị cáo (7,9%); 7 năm tù trở xuống: 599 bị cáo (78,8%); tù trên 7 năm - 10 năm: 69 bị cáo (9%); trên 10 năm - 20 năm: 31 bị cáo (4%). Về đặc điểm tội phạm: 1,8% tái phạm, trong đó 40,5% là nữ, 24,3% trong độ tuổi từ 18 - 30.
- Tội môi giới mại dâm: phát hiện và khởi tố 153 vụ/199 bị can, tăng so với cùng kỳ năm 2001 là 144 vụ. Đã xét xét 72 vụ với 102 bị cáo, trong đó 17,6% án treo, 76,5% án tù 7 năm trở xuống. Về nhân thân: 28,4% bị cáo là nữ, 34,3% tuổi 18-30.
- Tội mua dâm người chưa thành niên: phát hiện và khởi tố 12 vụ với 14 bị can, tăng 5 vụ so với năm 2001. Thụ lý và xét xử 7 vụ với 10 bị cáo.
2. Yêu cầu tăng cường pháp luật Phòng, chống mại dâm
Trong những năm gần đây, tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục gia tăng và biến dạng dưới nhiều hành thức tinh vi, xảo quyệt; hoạt động có tổ chức, thậm chí có những đường dây xuyên quốc gia. Đây là một vấn đề bức xúc đã được đề cấp nhiều trên công luận và trong các kỳ họp Quốc hội.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp, trong đó có biện pháp pháp lý nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống tệ nạn mại dâm, song các giải pháp đó chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để ngăn chặn tệ nạn này. Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật đề cập đến vấn đề này như Bộ Luật Hình sự. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, một số nghị quyết, Nghị định của Chính phủ... Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi và áp dụng pháp luật có liên quan đến phòng chống mại dâm không thống nhất, phụ thuộc vào từng địa phương và giai đoạn cụ thể. Hơn nữa, các quy định này cũng chưa điều chỉnh hết các quan hệ phức tạp trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay. Do vậy, cần thiết phải tăng cường hệ thống pháp luật nhằm tạo ra khung pháp lý thống nhất thi hành trên toàn quốc cùng với các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm liên quan đến mại dâm nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống mại dâm, hạn chế tới mức tối đa tệ nạn này.
Ở phạm vi thế giới, cộng đồng quốc tế cũng đang có những nỗ lực trong cuộc đấu tranh phòng, chống mại dâm Liên Hợp Quốc đã có nhiều Công ước. Nghị định thư hoạt động các Tuyến bộ đề cập tới vấn đề mại dâm, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm như: Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979, Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về trấn áp tội buôn người và bóc lột người khác thông qua mại dâm, Chương trình hành động phòng chống việc buôn người vì mục đích thương mại... Việt Nam đã tham gia các Công ước và Chương trình nêu trên, đang triển khai các dự án quốc tế khu vực sông Mekông về lĩnh vực này.
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực đã ban hành Luật phòng, chống mại dâm như: Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanma... Nhìn chung, luật của một số quốc gia (Trung Quốc, Thái Lan) quy định hình phạt rất nghiêm khắc (đến chung thân hoặc tử hình) đối với các hành vi: tổ chức, chứa, môi giới, bảo kê, cưỡng bức, dụ dỗ người khác làm mại dâm, đồng thời người có những hành vi này còn bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.
Trước thực tế đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhằm thống nhất, tập trung đầy đủ những chế định về phòng, chống tệ nạn mại dâm là hết sức cần thiết. Văn bản quy phạm pháp luật này có tác dụng giáo dục, phòng ngừa một cách kiên quyết, đồng bộ và triệt để, góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, hạnh phúc gia đình, tăng cường trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần tích cực vào cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá và phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tạo co sở để Việt Nam tham gia các Công ước quốc tế về chống buôn bán phụ nữ, trẻ em chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em...
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO TRONG VIỆC XÂY DỰNG PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được xây dựng và ban hành trên cơ sở quán triệt những quan điểm sau đây:
1. Quán triệt quan điểm của Đảng về phòng, chống mại dâm, đó là nghiêm cấm mại dâm dưới mọi hình thức nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, hạnh phúc gia đình, danh dự, nhân phẩm của con người; góp phần tăng cường trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Trong công tác phòng, chống mại dâm phải lấy phòng ngừa là chính, phát triển kinh tế đi đối với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, lồng ghép việc thực hiện pháp luật với các chương trình kinh tế - xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống tệ nạn mại dâm; kết hợp phòng, chống tệ nạn mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống HIV/AIDS.
3. Quán triệt quan điểm phòng, chống mại dâm bằng các giải pháp đồng bộ, có bước đi thích hợp và phát huy tính tích cực, chủ động của các cơ quan, tổ chức, mọi công dân, của gia đình và trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở.
4. Kế thừa những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống mại dâm từ trước đến nay ở nước ta: đồng thời tiếp thu co chọn lọc kinh nghiệm của các nước, nhất là kinh nghiệm thi hành pháp luật của một số nước có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng với Việt Nam.
5. Các quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc dân chủ, nhân đạo và tôn trọng các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2003 gồm Lời nói đầu, 6 Chương với 41 điều.
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Gồm 9 điều từ Điều 1 đến Điều 9 quy định phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, giải thích từ ngữ, những nguyên tắc chủ yếu trong phòng, chống mại dâm. Trong đó các nguyên tắc chủ đạo là: kết hợp đồng bộ các biện pháp, động viên sức mạnh cộng đồng, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong phòng, chống mại dâm.
Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên tuyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm, kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Chương 2.
NHỮNG BIỆN PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Gồm 12 điều, từ Điều 10 đến Điều 21 quy định các biện pháp trong phòng, chống mại dâm như:
- Tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự. Thông tin, giáo dục, truyền thống về tác hại của mại dâm đối với gia đình, xã hội.
- Thực hiện các chương trình xúc tiến việc làm, xoá đói giảm nghèo, dạy nghề, tăng thu nhập, cho vay vốn: quản lý lao động, đăng ký tạm trú, tạm vắng;
- Quản lý, kiểm sát việc sản xuất, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm, vật phẩm: quản lý hành chính, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Chương này cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong phòng, chống mại dâm (Điều 11, Điều 12, Điều 13); trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn (Điều 19): trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ (Điều 15).
Chương 3
XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Gồm 8 điều từ Điều 22 đến Điều 29 quy định hệ thống chế tài xử lý đồng bộ, nghiêm khắc toàn diện đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về phòng, chống mại dâm. Xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, quy định nguyên tắc và hình thức xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt trong Chương này cũng quy định việc xử lý đối với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm (Điều 27, 28, 29)...
Chương 4
. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Gồm 8 điều từ Điều 30 đến Điều 37 quy định nội dung quản lý Nhà nước, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp trong phòng, chống mại dâm.
Chương 5
KHEN THƯỞNG VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Gồm 2 điều (Điều 38 và Điều 39) quy định về khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm: về - khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chương 6
. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Gồm 2 điều (Điều 40 và Điều 41) quy định về hiệu lực của Pháp lệnh bãi bỏ những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.
Một số nội dung trọng tâm của pháp lệnh cần được tập trung phổ biến
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Pháp lệnh
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt về phòng, chống mại dâm đầu tiên do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, có giá trị hiệu lực pháp lý cao.
Pháp lệnh điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm: quy định những biện pháp phòng, chống mại dâm; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của gia đình và cá nhân trong việc phòng, chống mại dâm.
Ngoài đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, Pháp lệnh này cũng áp dụng với các tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
2. Khái niệm "mại dâm" và các hành vi liên quan:
Lần đầu tiên các thuật ngữ về mại dâm, liên quan đến mại dâm (như chứa mại dâm, tổ chức, hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm) đã được quy định cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, đảm bảo sự nhận thức thống nhất trong nội bộ các cơ quan thi hành pháp luật cũng như toàn dân, tránh sự mâu thuẫn trong quá trình thức thi. Điều 3 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định:
- Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.
- Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Tổ chức hoạt động mại dâm là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm:
Nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân hiểu và nhận thức đầy đủ về phòng chống mại dâm, có ý thức tự giác chấp hành, góp phần giảm thiểu những tác động xấu từ tệ nạn mại dâm đến xã hội. Điều 4 của Pháp lệnh quy định cụ thể các hành vi trái pháp luật bị nghiêm cấm về mại dâm và liên quan đến mại dâm bao gồm: mua dâm; bán dâm, chứa mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm: cưỡng bức bán dâm; môi giới mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm.
4. Các biện pháp phòng, chống mại dâm:
Một trong những nội dung quan trọng của Pháp lệnh và quy định các biện pháp phòng, chống mại dâm có hiệu quả. Theo đó, Nhà nước thực hiện đồng bộ, tích cực, kết hợp các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và kinh tế - xã hội để phòng chống mại dâm.
Điều 10 quy định về biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm, xác định đây là biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và tích cục tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm. Biện pháp này tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thông văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh; tác hại của tệ nạn mại dâm; các chủ trương, chính sách, biện pháp, những mô hình, kinh nghiệm và các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý và phòng chống, lây nhiễm HIV/AIDS.
Điều 14 quy định các biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm, bao gồm việc dạy nghề, tạo việc làm để có thu nhập, xoá đói giảm nghèo nhằm ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển tệ nạn mại dâm; tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng... Nhà nước có chính sách, biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.
5. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mại dâm:
Nhận thức rõ mại dâm là tệ nạn làm băng hoại giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ nền tảng hạnh phúc gia đình, làm mất ổn định xã hội, là nguyên nhân lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ sau. Pháp lệnh xác định việc phòng, chống mại dâm là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội. Nhà nước và nhân dân phải cùng chung sức đồng lòng làm lành mạnh hoá môi trường xã hội, góp phần xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam. Vì lẽ đó, Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, cá nhân và gia đình trong phòng, chống mại dâm.
Điều 11 quy định trách nhiệm của các cơ quan thông tin, tuyên truyền trong việc xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền thích hợp và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân về phòng, chống mại dâm.
Điều 12 quy định trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học viên và phong tục, tập quán của các dân tộc; quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm.
Điều 13 quy định trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hoá; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Một trong những vấn đề Pháp lệnh quan tâm đề cấp đó là trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Theo quy định tại Điều 15, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm:
- Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động;
- Đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;
- Không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ;
- Thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động theo quy định của pháp luật;
- Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở kinh doanh.
Các cơ sở này chỉ được hoạt động khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ. Người lao động làm việc tại các cơ sở này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, đó là: tổ chức thực hiện phòng, chống mại dâm tại địa phương; lập hồ sơ thống kê, phân loại đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ để có biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm; tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bán dâm và những người có hành vi liên quan đến mại dâm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Pháp lệnh còn quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với hoạt động báo chí xuất bản, dịch vụ văn hoá thông tin, trong sản xuất và lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phòng, chống mại dâm.
6. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm
Với việc xác định cụ thể và rõ ràng những hành vi bị nghiêm cấm về mại dâm và liên quan đến mại dâm, lần đầu tiên trong một văn bản có giá trị pháp lý cao đã quy định việc xử lý nghiêm khác đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm. Điều đó thể hiện thái độ cương quyết, không dung túng, khoan nhượng của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trong việc áp dụng những biện pháp hành chính và chế tài hình sự để xử lý các đối tượng. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực, khẩn trương phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh. Dự kiến đến khi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có hiệu lực (1/7/2003), Nghị định sẽ được thông qua và áp dụng. Trong đó, Nghị định quy định, chi tiết các biện pháp xử phạt hành chính áp dụng đối với các đối tượng cụ thể. Hiện nay, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mại dâm và liên quan đến mại dâm được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và Nghị định số 88/CP ngày 14 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng, chống một số tệ nạn xã hội.
6.1. Đối với người mua dâm (Điều 22): tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hiện nay, hình thức xử phạt hành chính được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 49/CP. Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 2 - Điều 3 của Nghị định 49/CP thì hành vi mua dâm sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định về vấn đề này. Theo Điều 117 thì: người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, thì bị phạt từ từ một năm đến ba năm. Nếu phạm tội với nhiều người, với người chưa thành niên, với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình, với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Điều 256 của Bộ luật Hình sự quy định tội mua dâm người chưa thành niền từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạt tù từ ba năm đến tám năm nếu: phạm tội nhiều lần, mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tất từ 31% đến 60%. Phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm nếu phạm tội nhiều lần với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, biết mình vị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tất từ 61% trở lên. Ngoài các hình thức xử phạt trên, còn có hình thức phạt bổ sung là phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng đối với người phạm tội.
6.2. Đối với người bán dâm (Điều 23). Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn hoặc đưa vào cơ sở giáo dục đúng theo quy định tại Khoản 1 - Điều 23 của Nghị định 49/CP. Người bán dâm sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thị bị truy cứu trách nhiệm hoạt động (Điều 117, Điều 118 - Bộ luật Hình sự).
6.3. Đối với người có hành vi liên quan đến mại dâm (Điều 24): Người bảo kê mại dâm, góp vốn để sử dụng vào mục đích hoạt động mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về biện pháp xử phạt hành chính. Khoản 1, 2, 3 - Điều 23 của Nghị định 49/CP quy định hành vi lạm dụng tình dục thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng: hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng; hành vi dẫn dắt hoạt động mại dâm và che giấu, bảo vệ cho các hành vi mua dâm, bán dâm thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, khoản 4 của Điều này cũng quy định hành vi dùng các thủ đoạn khống chế, đe doạ người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Người môi giới mại dâm, chứa mại dâm, cưỡng bức bán dâm, tổ chức mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ hoạt động mại dâm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Nghị định số 88/CP, hành vi môi giới mại dâm, chứa mại dâm nếu không thường xuyên, chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì áp dụng hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi môi giới mại dâm; từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chứa mại dâm.
Bộ luật Hình sự cũng có hai điều quy định về hành vi chứa mại dâm và môi giới mại dâm. Điều 254 của Bộ luật Hình sự quy định tội chứa mại dâm bị phạt tù từ một đến bảy năm; phạt từ từ năm năm đến mười lăm năm nếu phạm tội có tổ chức, cưỡng bức mại dâm, phạm tội nhiều lần, đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm trong trường hợp: đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: gây hậu quả rất nghiêm trọng: phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai mươi năm hoặc tù chung thân; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ một năm đến năm năm. Điều 255 quy định người có hành vi dụ dỗ, dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, trường hợp tăng nặng thì phạt từ từ ba năm đến mười năm, bảy năm đến mười lăm năm hoặc mười hai đến hai mươi năm; ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đến mười triệu đồng.
6.4. Đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm (Điều 25): áp dụng hình thức phạt tiền và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tịch thu tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hoạt động mại dâm, trước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Khoản 4 - Điều 23 của Nghị định 49/CP quy định đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh thì áp dụng hình thức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý thì bị xử phạt hành chính; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
6.5. Đối với tổ chức, cá nhân phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm (Điều 26): áp dụng hình thức phạt tiền và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị trước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó. Hiện nay, việc xử phạt các hành vi này áp dụng quy định tại Nghị định số 88/CP.
6.6. Đối với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi mua dâm, bán dâm và các hành vi khác liên quan đến mại dâm (Điều 27) ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự như trên, còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật. Việc đưa ra hình thức “thông báo cho người đứng đầu” dựa trên quan điểm đạo lý hết sức có lý, có tình, nghiêm khác xử lý và kỷ luật nhưng rất tế nhị, không làm ảnh hưởng và phá vỡ hạnh phúc gia đình, không phổ biến rộng rãi trong cơ quan, đơn vị của người vi phạm, không ảnh hưởng uy tín của cơ quan, đơn vị. Quan trọng hơn, để người đứng đầu cơ quan, đơn vị thấy hết trách nhiệm trong việc ngăn ngừa, giáo dục, xử lý cán bộ, công chức thuộc phạm vi mình quản lý. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật, những người có hành vi vi phạm này không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước, hoặc trong lực lượng vũ trang.
6.7. Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mại dâm (Điều 28): Người có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống mại dâm mà có hành vi bảo kê mại dâm, dung túng, bao che hoặc không xử lý kịp thời để cho hoạt động mại dâm xảy ra trên địa bàn quản lý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý ký luật, chuyển làm công tác khác hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì cơ quan nơi người đó công tác phải có trách nhiệm bồi thường và người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Trên thực tế công tác, người có nhiệm vụ trực tiếp đâu tranh phòng, chống mại dâm có thể bao gồm lực lượng công an; lực lượng phòng, chống tệ nạn xã hội của ngành lao động, thương binh và xã hội; bộ đội biên phòng... Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý công vụ theo địa bàn của người được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
6.8. Đối với người có hành vi bao che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm (Điều 29): Người có chức vụ, quyền hạn có hành vi bao che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người thuộc quyền quản lý của mình có hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm
Bên cạnh quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm, Pháp lệnh giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch về phòng, chống mại dâm; thống kê, kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống mại dâm; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mại dâm theo sự phân công của Chính phủ.
Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm về mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ hoạt động mại dâm và các vi phạm pháp luật có liên quan đến mại dâm; chỉ đạo lập hồ sơ, đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và hỗ trợ cơ sở chữa bệnh giữ gìn trật tự, an ninh; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục người bán dâm, người có hành vi liên quan đến mại dâm tại cộng đồng, kiểm tra, thanh tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, phối hợp các hoạt động phòng, chống mại dâm thuộc lĩnh vực, ngành; quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc ngành quản lý có vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm ở địa phương.
IV. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Để Pháp lệnh phòng, chống mại dâm phát huy vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh với tệ nạn mại dâm, góp phần đưa Pháp lệnh vào cuộc sống, trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai một số công tác sau:
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng với các Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Du lịch và các cơ quan hữu quan khẩn trương chỉ đạo, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thi hành Pháp lệnh này.
2. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ban hành kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống mại dâm, trong đó xác định trách nhiệm phòng, chống tệ nạn này của mỗi cá nhân, của toàn thể cộng đồng, của cả xã hội.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp cần chủ động, tích cực trong việc huy động các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể tại địa phương thực hiện Pháp lệnh này.
4. Cơ quan Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kịp thời Pháp lệnh phòng, chống mại dâm tới các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với công tác phòng, chống mại dâm, có ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng như trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.