Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 1066/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 1066/TTg-CN
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1066/TTg-CN | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Trịnh Đình Dũng |
Ngày ban hành: | 20/07/2017 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính |
tải Công văn 1066/TTg-CN
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1066/TTg-CN | Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2017 |
Kính gửi: | - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc; |
Thủ tướng Chính phủ nhận được Công văn số 991/TTKQH-GS ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Tổng Thư ký Quốc hội gửi ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai với nội dung như sau:
“Kính thưa Thủ tướng,
Vì mới đây, tại cuộc tiếp xúc với doanh nhân, Thủ tướng có phát biểu khuyến khích việc để GRAB và UBER thử nghiệm như thể hiện sự cởi mở trong chính sách đầu tư của Việt Nam, nên tôi không đặt câu hỏi tại hội trường trong buổi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn. Tôi xin gửi tới Thủ tướng:
Tôi xin đặt câu hỏi về chủ trương của Chính phủ cho phép thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của GRAB & UBER. Tôi không đề cập tới phương thức kinh doanh hay những xung đột lợi ích với các hãng xe taxi truyền thống là các hãng kinh doanh theo quy định hiện hành của nhà nước mà tôi được biết đã có nhiều kiến nghị của các hiệp hội taxi hay các sở giao thông của nhiều địa phương gửi Chính phủ.
Tôi chỉ bàn về chủ trương cho phép thử nghiệm của chính phủ dưới góc độ quản lý nhà nước. Chủ trương cho phép GRAB và UBER thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Với GRAB và UBER được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thẳng hay hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội (GRAB và UBER khó kiểm soát vì nó "tàng hình" khó biết con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động); từ đó nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: chấp nhận hay không chấp nhận cho hoạt động chính thức thì cả hai đều đi đến hệ lụy tiêu cực:
Nếu chấp nhận, thì đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách chính thức sẽ tăng vọt đi ngược mục tiêu quản lý của nhà nước và tiếp tục gia tăng sự xung đột giữa taxi truyền thống và 2 phương thức mới.
Nếu không chấp nhận thì chủ ở nước ngoài kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn người lao động có xe mà không có quyền hoạt động. Lý thuyết quảng cáo là xe tham gia GRAB và UBER là xe nhàn rỗi nhưng thực tế có biết bao nhiêu người sắm xe hy vọng hành nghề thì nay lỡ dở sẽ dồn trách nhiệm cho nhà nước. Do vậy càng thử nghiệm lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc.
Tóm lại, câu hỏi của tôi là: Chính phủ cho phép thử nghiệm GRAB và UBER đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể thấy trước thì ai chịu trách nhiệm?”
Vấn đề này, tôi xin trả lời như sau:
1. Về xu thế tất yếu ứng dụng công nghệ
Ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đề cập từ năm 2011, việc ứng dụng công nghệ đã và được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chú trọng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước. Việc cải cách hành chính, công khai minh bạch, tăng cường công tác quản lý ngày càng được nâng cao khi ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ thi ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin và điều hành trên cơ sở công nghệ số, giao dịch điện tử mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Vì vậy, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn bộ các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, các thành phần kinh tế đều đã và đang triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn việc ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động. Trong đó, ngành giao thông vận tải đã đẩy mạnh việc áp dụng tổ chức quản lý, điều hành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin (thu phí tự động, dịch vụ đỗ xe qua phần mềm kết nối điện thoại, quản lý hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình...).
2. Về việc cho phép ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động vận tải
Với xu thế tất yếu nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng (vận tải khách bằng xe hợp đồng là một trong 5 loại hình kinh doanh vận tải được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bao gồm: Xe buýt, taxi, vận tải khách theo tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng). Việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử, qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Qua xem xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thời gian thí điểm 02 năm (từ tháng 01 năm 2016).
3. Về các ý kiến của Đại biểu
Tôi đồng tình với các băn khoăn, lo cho sự phát triển ổn định của các đơn vị vận tải khi đầu tư phương tiện để tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử cũng như quan điểm bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải của Đại biểu. Quá trình triển khai thí điểm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp, giám sát, thực hiện, báo cáo. Tôi xin gửi đến Đại biểu và các cử tri những tác động tích cực của việc thí điểm này và sự phối hợp quản lý của các cơ quan, đơn vị để đánh giá rõ hơn bản chất ứng dụng công nghệ:
- Thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải. Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho GRAB hay UBER mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.
Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Việc thí điểm được ứng dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (mặc dù theo quy định hiện tại thì ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã còn có các hộ kinh doanh vận tải theo hợp đồng, tuy nhiên trong thí điểm đã hạn chế chỉ áp dụng đến phạm vi đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là đề xuất phù hợp để đánh giá các hiệu quả và bảo đảm được mục tiêu quản lý trong quá trình thí điểm) và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ.
Việc quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan của tỉnh, thành phố (Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh, phương tiện để được cấp phù hiệu phải đáp ứng đã lắp thiết bị giám sát hành trình) qua đó đảm bảo được sự giám sát, quản lý từ cơ sở.
Cho đến nay, không chỉ có GRAB, UBER mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của GRAB và UBER, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.car). Trong đó có những đơn vị như Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR Taxi GROUP) có khả năng đáp ứng tương đương như GRAB, UBER trong cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử. Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam khi Chính phủ cho phép thí điểm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài.
Qua việc đang triển khai thí điểm cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước. Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện bảo đảm sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã được thành lập và kinh doanh vận tải theo quy định thông qua áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải.
- Về vấn đề quy hoạch, các địa phương cùng các Bộ, ngành cũng cần xem xét lại sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời cần đẩy mạnh việc tối ưu hóa trong tổ chức giao thông đô thị, qua đó ưu tiên tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay cho dùng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện nội dung này theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.
- Với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, việc thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong vận tải, lĩnh vực thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn.
- Mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thì cũng cần nhìn nhận hạn chế cần điều chỉnh như: Phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế...
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế...
- Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành và phát huy việc ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã quan tâm đến hoạt động của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành ngành giao thông vận tải./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Văn bản gốc.
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây