Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 101/BNN-KH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn và công tác điều phối phát triển vùng Kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006- 2010; phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, giai đoạn 2011-2015
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 101/BNN-KH
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 101/BNN-KH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Nguyễn Thị Xuân Thu |
Ngày ban hành: | 12/01/2012 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
tải Công văn 101/BNN-KH
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 101/BNN-KH | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2012 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo yêu cầu tại công văn số 8969/VPCP-ĐP ngày 16/12/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành Báo cáo đánh giá lĩnh vực/ngành quản lý theo nội dung hướng dẫn tại văn bản nói trên.
Bộ Nông nghiệp và PTNT xin gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo của ngành (bản kèm theo) để tổng hợp Báo cáo chung theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ./.
Nơi nhận:
| KT. BỘ TRƯỞNG |
BÁO CÁO
Đánh giá tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn các vùng Kinh tế trọng điểm
(Kèm theo công văn số 101/BNN-KH ngày 12/01/2012 của Bộ NN&PTNT)
_______________
Phần thứ nhất.
TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2012 VÀ GIAI ĐOẠN 2011- 2015
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
I. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA BẮC
1. Những kết quả chính
1.1. Về sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản), giai đoạn 2006 – 2010, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc (KTTĐPB - bao gồm cả Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định) đạt tốc độ tăng bình quân gần 4%/năm; năm 2010 đạt trên 34 ngàn tỷ đồng.
- Trồng trọt: Năm 2010, sản lượng lương thực có hạt toàn vùng KTTĐPB đạt 7,24 triệu tấn (thóc: 6,8 triệu tấn, ngô: 440 ngàn tấn); sản lượng thịt hơi các loại 1.277 ngàn tấn; sữa tươi 22,2 ngàn tấn; sản lượng thủy sản trên 600 ngàn tấn. Kết quả này đảm bảo an ninh lương thực trong vùng và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
+ Cây lúa: Mặc dù diện tích lúa giảm so với năm 2005, nhưng nhờ tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất lúa cả vùng năm 2010 đạt xấp xỉ 59 tạ/ha, tăng gần 5 tạ/ha so với năm 2005; sản lượng tăng 6,3%.
+ Cây ngô được trồng chủ yếu trên diện tích đất lúa 2 vụ trong vụ đông. So với năm 2005, diện tích ngô toàn vùng năm 2010 tăng gần 10 ngàn ha; năng suất tăng 5 tạ/ha; sản lượng tăng xấp xỉ 84 ngàn tấn, ước đạt 440 ngàn tấn.
+ Diện tích rau đậu toàn vùng tương đối ổn định ở mức 170 ngàn ha. Các tỉnh trong vùng đã quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau an toàn quy mô gần 10 ngàn ha. Riêng TP. Hà Nội, có trên 30 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, 9 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế. Sản xuất rau theo công nghệ thủy canh tuần hoàn và trên hệ thống giá thể hữu cơ đã được ứng dụng trên địa bàn Hà Nội.
+ Diện tích cây công nghiệp hàng năm năm 2010 tăng 15 ngàn ha so với năm 2005, chủ yếu là mở rộng diện tích cây đậu tương vụ đông.
+ Cây ăn quả các loại toàn vùng hiện có khoảng 100 ngàn ha, tăng gần 17 ngàn ha so với năm 2005. Nhãn, vải, chuối là những loại cây ăn quả chính, chiếm gần 50% diện tích cây ăn quả toàn vùng.
- Chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đã phát triển về cả quy mô đàn và chất lượng vật nuôi. Đàn lợn thịt với phương thức chăn nuôi hộ hiện đã đạt mức bình quân 20 con/hộ; chăn nuôi trang trại mức bình quân 100 con/trang trại; chăn nuôi công nghiệp bình quân 215 con/cơ sở. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng chăn nuôi trang trại và công nghiệp đạt từ 90-100 kg/con;
Năm 2010 toàn vùng có 170 ngàn con trâu, gần 700 ngàn con bò, 7,3 triệu con lợn và trên 76 triệu con gia cầm; sản phẩm thịt hơi các loại ước đạt 1.277 ngàn tấn, tăng 388 ngàn tấn so với năm 2005; sản lượng sữa tươi đạt trên 22 ngàn tấn, tăng 57%. Trong vòng 5 năm qua, đàn bò sữa tăng từ 12,4 ngàn con lên gần 50 ngàn con.
- Thủy sản: Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản vùng KTTĐPB liên tục tăng trong giai đoạn 2006-2010. Năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng đạt 126,7 ngàn ha, tăng 19 ngàn ha so với năm 2005; sản lượng thủy sản nuôi trồng các loại đạt trên 400 ngàn tấn, tăng 70%.
+ Chương trình xây dựng khu neo đậu tránh trú bão đã đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Cát Bà, TP. Hải Phòng với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng. Ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng 02 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tại huyện Hải Hà và Vân Đồn; hỗ trợ đầu tư 49 tỷ đồng xây dựng 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tại TP. Hải Phòng (Ngọc Hải, Quán Chiên, Đông Xuân, Vạn Úc). Tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ đầu tư 65 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Đáy. Tỉnh Nam Định đang triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Tỉnh Thái Bình đang triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Cửa Lân với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.
+ Chương trình phát triển giống thủy sản đã đầu tư 125 tỷ đồng xây dựng 02 Trung tâm giống thủy hải sản cấp vùng tại Hải Dương và TP. Hải Phòng. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng được ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 648,5 tỷ đồng xây dựng các trung tâm giống thủy, hải sản cấp tỉnh.
- Lâm nghiệp: Tính đến cuối năm 2010, diện tích đất có rừng toàn vùng KTTĐPB đạt gần 434,8 ngàn ha, tăng 31,5 ngàn ha so với năm 2005; độ che phủ của rừng đạt trên 20%, tăng 1,5%. Giai đoạn 2006-2010, các tỉnh trong vùng đã trồng mới 94 ngàn ha rừng tập trung (trong đó có 36,7 ngàn ha rừng phòng hộ, 57,3 ngàn ha rừng sản xuất); khoanh nuôi tái sinh và trồng dặm rừng 190 ngàn ha; chăm sóc rừng trên 100 ngàn ha; khoán bảo vệ rừng trên 700 ngàn ha; trồng gần 15 triệu cây phân tán. Tính theo giá cố định năm 1994, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2010 ước đạt 375 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2005.
1.2. Về quản lý và thực hiện quy hoạch thủy lợi, đê sông, đê biển
Giai đoạn 2006-2010, bằng các nguồn vốn khác nhau (vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư tập trung theo các nhiệm vụ chủ yếu như: cải tạo, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi hiện có, nhất là các hệ thống lớn như Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, sông Nhuệ, đảm bảo tiêu nước cho Thủ đô Hà Nội và các vùng bị ngập úng khác bằng các chương trình tu bổ, cải tạo nâng cấp hệ thống đê sông, hệ thống đê biển bảo đảm chống lũ, bão theo tiêu chuẩn thiết kế. Ngoài ra đã tiến hành sửa chữa bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, an toàn các công trình. Xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các mục tiêu tổng hợp khác. Xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Một số công trình được đầu tư hoàn thành như Dự án phát triển thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2 (ADB2), gồm: Hệ thống thủy nông Gia Thuận (Hà Nội, Bắc Ninh), Dự án phòng lũ sông Đuống, Nâng cấp hệ thống kè sông Đuống (Bắc Ninh), Sửa chữa nâng cấp trạm bơm Vân Đình, Trạm bơm Hạ Dục 2 (Hà Nội), Trạm bơm tiêu Bình Hàn - Cầu Xộp, Trạm bơm Mai Xá B (Hưng Yên), Nâng cấp hệ thống thủy nông Nam Sông Mới, Nạo vét kênh Hòn Ngọc (Hải Phòng), Nâng cấp kênh tiêu Bến Tre (Vĩnh Phúc); Cống Tắc Giang - Phủ Lý (Hà Nam); các công trình vốn trái phiếu Chính phủ như cụm công trình đầu mối Hát Môn - Đập Đáy (Hà Nội), Hồ chứa nước Đầm Hà Động (Quảng Ninh); các công trình vốn đầu tư phát triển như Hồ Thanh Lanh (Vĩnh Phúc), Cống Hà Đông (Hà Nội)…
Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, cùng với nguồn ngân sách của Thành phố Hà Nội, 100% các tuyến đê sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được kiên cố hóa; những vị trí sạt lở hai bên bờ sông Hồng đã được đầu tư kè bảo vệ; nhiều trọng điểm xung yếu bờ sông Hồng qua thành phố Hà Nội đã được đầu tư xử lý. Đối với các tỉnh khác thuộc vùng KTTĐPB việc cứng hóa mặt đê đã được quan tâm đầu tư và thực hiện trong thời gian qua.
Các công trình thủy lợi được đầu tư đã đảm bảo nguồn nước phục vụ cho 883 ngàn ha đất nông nghiệp; cấp nước cho khoảng 70% diện tích nuôi trồng thủy sản; tạo đủ nguồn nước cấp cho các ngành công nghiệp, xây dựng, đô thị, du lịch dịch vụ; đảm bảo năng lực tiêu úng (kể cả động lực và tự chảy) cho 1.182 ngàn ha; chống lũ cho vùng đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình với tần suất 0,4% vào năm 2010 và tần suất 0,2% vào năm 2020 (tại Hà Nội); củng cố, nâng cấp gần 150 km đê; 100% các tuyến đê sông Hồng trên địa bàn TP. Hà Nội đã được cứng hóa. Chương trình nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2006-2010 đã đầu tư 4.611,4 tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt; đến năm 2010, có 2,8 triệu hộ dân nông thôn trong vùng được sử dụng nước sạch sinh hoạt, đạt tỷ lệ 85% và tăng 19% so với năm 2005.
1.3. Chương trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 các tỉnh đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài 02 xã điểm tại Hà Nội và Nam Định thuộc 11 xã điểm do Trung ương chỉ đạo, các tỉnh đã chọn 207 xã để triển khai thí điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phân công các đơn vị trực thuộc lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ khoa học kỹ thuật… giúp các xã điểm do Trung ương chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới.
Năm 2011, ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh trong vùng 186,5 tỷ đồng để triển khai Chương trình nông thôn mới. Trong đó có 73,6 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và 112,9 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện quy hoạch các xã, đào tạo, tuyên truyền và phát triển sản xuất. Năm 2011 hầu hết các tỉnh trong vùng hoàn thành công tác quy hoạch cấp xã.
2. Tồn tại và thách thức
- Sản xuất nông nghiệp phổ biến trong tình trạng quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức kinh tế hộ gia đình, nhất là trong ngành chăn nuôi làm cho khả năng ứng phó với dịch bệnh rất khó khăn. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch chậm, tỷ suất hàng hóa chưa cao nên thu nhập của nông dân còn thấp, thiếu động lực gắn người dân với đồng ruộng. Nông dân có xu hướng bỏ ruộng đi làm thuê cho các ngành kinh tế khác có thu nhập cao hơn.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nông thôn đang là những vấn đề bức xúc ở hầu hết các địa phương trong vùng.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất và kinh tế - xã hội trong vùng, đặc biệt trước nguy cơ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những công trình đầu mối được xây dựng từ lâu đã xuống cấp; hệ thống kênh mương bị bồi lấp, hệ thống đê điều vẫn còn tiềm ẩn những hiểm họa…
II. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
1. Những kết quả chính.
1.1. Về sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản): Từ năm 2006 đến năm 2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) từ 9.486 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) tăng lên 11.822 tỷ đồng, tăng bình quân 4,5%/năm.
- Trồng trọt: Sản xuất lương thực toàn vùng tiếp tục tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng. So với năm 2005, diện tích cây lương thực có hạt toàn vùng năm 2010 tăng 6,4 ngàn ha (hiện ở mức 365,8 ngàn ha), sản lượng lương thực có hạt tăng 2,8%/năm (cả nước 2,0%), năm 2010 đạt khoảng 1,92 triệu tấn; bình quân đầu người 312 kg; tăng 40 kg so với năm 2015 (cả nước tăng 33 kg). Mặc dù là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu chuyển đổi đất sang mục đích phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch lớn nhưng đất sản xuất nông nghiệp cơ bản giữ được mức ổn định.
+ Cây lúa, trước năm 2005 các địa phương thực hiện chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, những diện tích đất lúa hiệu quả thấp đã được chuyển sang trồng cây có giá trị hơn hoặc nuôi trồng thủy sản. Diện tích lúa toàn vùng từ 2000 đến 2004 giảm 2,3%/năm. Từ năm 2005, nhờ áp dụng biện pháp cải tạo đất nên đến năm 2010 diện tích lúa tăng 3,3 ngàn ha, đạt mức 332,2 ngàn ha; sản lượng tăng 225 ngàn tấn, đạt 1,76 triệu tấn.
+ Ngô: Diện tích gieo trồng ổn định khoảng 33 ngàn ha, nhưng do năng suất tăng 3,4 tạ/ha so với năm 2005 nên sản lượng tăng 25 ngàn tấn, đạt mức 158,3 ngàn tấn.
+ Các cây công nghiệp ngắn ngày chủ yếu của vùng là lạc và mía. Diện tích lạc tương đối ổn định, đạt khoảng 28 ngàn ha, năng suất bình quân tăng 4%/năm. Diện tích mía năm 2010 khoảng 9,2 ngàn ha, năng suất 480 tạ/ha, đạt sản lượng 441,5 ngàn tấn. Đã có nhiều giống lạc, mía mới được đưa vào trồng, kỹ thuật trồng lạc dùng tấm phủ ni lon được áp dụng nhiều nơi cho kết quả tốt.
+ Cây công nghiệp lâu năm có ưu thế của vùng là điều, dừa và cao su với tổng diện tích gần 50 ngàn ha. Cao su đang được tiếp tục phát triển ở phía tây Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam; diện tích tăng bình quân 7,7%/năm (năm 2010 đạt mức 15 ngàn ha). Cây ăn quả của vùng đang có sự thay đổi mạnh về cơ cấu. Các loại cây cung cấp nguyên liệu cho chế biến công nghiệp và cây đặc sản có giá trị được tập trung phát triển. Năm 2010, tổng diện tích cây ăn quả của vùng khoảng 20 ngàn ha, tăng 2 ngàn ha so với 2005.
- Chăn nuôi: Những năm qua, đàn trâu, bò, lợn phát triển khá. Tổng đàn trâu, bò đạt gần 1,0 triệu con. Các địa phương đã tập trung cải tạo chất lượng đàn giống thông qua các chương trình Sind hóa đàn bò, áp dụng nhiều phương thức chăn nuôi bò trong hộ gia đình phù hợp. Đến nay tỷ lệ đàn bò lai chiếm khoảng 28%. Đàn lợn khoảng 2,0 triệu con, trong đó lợn thịt chiếm 85%. Đàn gia cầm 15,3 triệu con, tăng bình quân 4,2%/năm.
- Thủy sản: Năm 2010, toàn vùng KTTĐMT có trên 7 ngàn tàu khai thác hải sản xa bờ (chiếm 48% số tàu cả vùng Bắc, Nam Trung Bộ và chiếm 28% số tàu cả nước) với tổng công suất 557 ngàn CV. So với năm 2005, số tàu tăng thêm 425 chiếc (6,5%) và công suất tăng 166 ngàn CV (tăng 42,4%). Từ năm 2005 đến nay sản lượng khai thác hải sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 4%/năm, năm 2010 đạt 371 ngàn tấn, chiếm 15,3% sản lượng khai thác cả nước.
Nuôi trồng thủy sản đã được quy hoạch, phát huy lợi thế của vùng. Năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 19,3 ngàn ha, tăng 1,2 ngàn ha so với năm 2005; sản lượng nuôi trồng đạt 40,3 ngàn tấn, tăng bình quân 16%/năm. Nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển giống thủy sản được đầu tư, tạo được nhiều loại giống thủy sản chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu giống cho vùng mà còn cho cả các địa phương khác.
Trong giai đoạn 2005-2010, tổng sản lượng thủy sản trong vùng tăng bình quân 4,9%/năm, năm 2010 đạt 411 ngàn tấn, chiếm 37% sản lượng thủy sản cả vùng Bắc, Nam Trung bộ. Năm 2010, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 4 ngàn tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng bình quân 6,4%/năm.
- Lâm nghiệp: Các tỉnh vùng KTTĐMT đã hoàn thành rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng; hiện đang lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng nên tình trạng chặt phá rừng để lấy đất làm nương rẫy và nạn khai thác rừng bừa bãi đã được hạn chế đáng kể. Giai đoạn 2006-2010, diện tích rừng trồng mới tập trung toàn vùng đạt hơn 100 ngàn ha, trung bình trồng thêm khoảng 17 ngàn ha/năm. Độ che phủ rừng cuối năm 2010 đạt 43,7%.
1.2. Quản lý và thực hiện quy hoạch thủy lợi, đê sông, đê biển
Các công trình thủy lợi lớn đã và đang được xây dựng trên cơ sở các quy hoạch như Quy hoạch sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Hương tỉnh Thừa Thiên Huế (Tả Trạch), Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Trà Khúc (Nước Trong), Quy hoạch thủy lợi vùng trọng điểm kinh tế Miền Trung; Quy hoạch thủy lợi tổng thể khu vực miền Trung trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tổng vốn đầu tư do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý đầu tư các dự án thủy lợi trên địa bàn vùng giai đoạn 2005-2010 là 3.839 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 462 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 3.377 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2010, hàng chục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm các dự án trọng điểm của vùng như: Đập Thảo Long, cụm CTTL A Lưới (TT-Huế); Kè Sông Hàn (Đà Nẵng); Hồ Trà Cân, Vĩnh Trinh (Quảng Nam); Công trình đầu mối hồ Định Bình (Bình Định)… Các công trình được xây dựng đã phát huy tốt phục vụ cấp nước sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, phòng chống lũ, cải tạo môi trường, góp phần ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng dự án.
Các công trình cấp nước sạch cho dân cư nông thôn đã được đầu tư tập trung thông qua Chương trình nước sạch và VSMT nông thôn được lồng ghép với các chương trình dự án khác nhau trên từng địa bàn. Tỷ lệ dân số nông thôn vùng KTTĐMT được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2010 đạt 84% (cả nước 80%); tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 68% (cả nước 57%).
1.3. Chương trình xây dựng nông thôn mới
Đến hết tháng 9/2011, các địa phương trong vùng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban. Ban quản lý cấp tỉnh đã hoàn thành việc đánh giá thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí làm cơ sở cho quy hoạch và xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới của các xã. Công tác quy hoạch đang được khẩn trương triển khai. Khoảng 2% số xã đã trong giai đoạn hoàn thiện quy hoạch chung và một số quy hoạch chi tiết cần thiết (khu dân cư và trung tâm xã, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp).
Ngoài các xã được Trung ương lựa chọn điểm để xây dựng, rút kinh nghiệm thì ngay trong năm 2010, các tỉnh trong vùng đã lựa chọn một số xã để triển khai công tác xây dựng nông thôn mới, rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng nhằm đảm bảo mục tiêu hoàn thành cơ bản quy hoạch nông thôn mới vào năm 2011 ở các xã triển khai xây dựng nông thôn mới.
3. Tồn tại, thách thức
- Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Trong nông nghiệp vẫn nặng về trồng trọt, từ 2006 đến 2010 giá trị trồng trọt trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp không giảm, vẫn chiếm tỷ trọng cao (70,2%); chăn nuôi mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (29,8%) và phát triển còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng của vùng. Vùng KTTĐMT có lợi thế về khai thác thủy sản, tuy nhiên giá trị sản xuất khai thác mới chỉ đạt 66% tổng giá trị thủy sản của vùng. Việc chuyển đổi từ khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ còn gặp nhiều khó khăn và chưa đồng bộ. Chế biến thủy sản chưa tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao. Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Công tác quy hoạch và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện chưa theo sát biến động của thị trường. Việc chuyển dịch cơ cấu vẫn còn mang tính tự phát, dẫn đến hiệu quả thấp và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Việc đầu tư các cơ sở công nghiệp chế biến không theo sát quy hoạch và gắn với đầu tư vùng nguyên liệu đã xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu nguyên liệu ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, thu nhập và đời sống nông dân và doanh nghiệp.
- Việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, thiếu tính hệ thống nên năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất còn thấp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp không cao.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là ở các khu vực miền núi. Thủy lợi được đầu tư khá nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp. Một số công trình được đầu tư dung tích dành cho phát điện còn chiếm ưu thế, ảnh hưởng đến dung tích phòng lũ, cấp nước mùa kiệt… Do nguồn kinh phí đầu tư hạn chế nhiều hệ thống công trình chưa đầu tư đồng bộ (chủ yếu là công trình đầu mối, thiếu hệ thống kênh mương, thiết bị vận hành) dẫn đến bất cập trong vận hành và phát huy hiệu quả sử dụng công trình.
- Công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc do cơ chế, chính sách và khó khăn về vốn. Tiến độ xây dựng các công trình do địa phương đầu tư còn chậm do nguồn vốn cân đối của địa phương hạn chế, thi công kéo dài, hiệu quả thấp.
III. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
1. Những kết quả chính
1.1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, từ năm 2005 đến năm 2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,2%/năm.
- Trồng trọt: Giai đoạn 2006 - 2010 diện tích đất nông lâm nghiệp các tỉnh vùng KTTĐPN giảm 77 ngàn ha, riêng vùng Đông Nam Bộ giảm 18,8 ngàn ha, chủ yếu do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong cơ cấu đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp giảm 185,2 ngàn ha, riêng vùng Đông Nam Bộ giảm 154,5 ngàn ha; đất sản xuất nông nghiệp tăng 108,2 ngàn ha, chủ yếu tăng ở vùng Đông Nam Bộ 101,7 ngàn ha. Việc tăng đất sản xuất nông nghiệp và giảm đất lâm nghiệp chủ yếu là do chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng các loại cây lâu năm như cao su, cà phê, cây ăn quả…
Tuy không phải là vùng có nhiều lợi thế về sản xuất lương thực, nhưng năm 2010 so với năm 2005 diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt tăng 18 ngàn ha, riêng Đông Nam Bộ giảm 19,4 ngàn ha; sản lượng cây lương thực có hạt tăng 794 ngàn tấn (tăng 17,2%), riêng vùng Đông Nam Bộ tăng 171 ngàn tấn.
+ Sản xuất lúa: Năm 2010 so với năm 2006 diện tích gieo trồng tăng 25,4 ngàn ha (tăng 2,5%); sản lượng lúa tăng 782,5 ngàn tấn (tăng 18,8%), riêng vùng Đông Nam Bộ tăng 173,7 ngàn tấn. Sản lượng lúa gạo tăng khá, chủ yếu do sử dụng giống mới, thâm canh tăng năng suất, góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh lương thực cho vùng và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh các cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả.
+ Diện tích rau toàn vùng năm 2010 đạt 111 ngàn ha. Sản xuất rau an toàn đang được đầu tư phát triển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, thành phố có gần 9 ngàn ha sản xuất rau an toàn; hiện đang đầu tư xây dựng khu Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau an toàn trên 100 ha tại Củ Chi…
+ Các cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều tăng khá mạnh. Năm 2010 diện tích cao su đạt 440 ngàn ha, sản lượng đạt 553 ngàn tấn, tăng 223,6% so với năm 2005; điều đạt 256.765 ha, tăng 165,9%, sản lượng đạt 238 ngàn tấn hạt, tăng 387,3%; hồ tiêu gần 28 ngàn ha, tăng 132,8%; cây ăn quả đạt 122,5 ngàn ha, tăng 148,3%.
- Chăn nuôi: Năm 2010 đàn lợn toàn vùng đạt 3,3 triệu con, gia cầm trên 24 triệu con, đàn bò 594 ngàn con; so với năm 2005 đàn lợn tăng 2,4%, đàn gia cầm: 21%, đàn bò: 16,3%.
Riêng đàn bò sữa tăng từ 70 ngàn con năm 2005 lên 92 ngàn con năm 2010, chiếm 15,5% tổng đàn bò của cả vùng. Đây là vùng có quy mô chăn nuôi bò sữa tập trung lớn nhất cả nước. Sản lượng sữa tươi tăng từ 64 nghìn tấn năm 2005 lên 306 nghìn tấn năm 2010, chiếm gần 80% tổng sản lượng sữa cả nước. Lợi thế lớn nhất của ngành chăn nuôi đại gia súc vùng KTTĐPN là nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn và tăng nhanh.
- Thủy sản: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của giá trị sản xuất ngành thủy sản trong giai đoạn 2006-2010 là 6,1%/năm, trong đó giá trị sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản bình quân là 6,9%/năm, khai thác thủy sản bình quân tăng 5,4%/năm. Sản lượng thủy sản vùng KTTĐPN năm 2010 đạt 616,7 ngàn tấn, so với năm 2005 tổng sản lượng thủy sản tăng gần 113 ngàn tấn (tăng 22,4%). Trong nội bộ ngành thủy sản, cơ cấu sản xuất chuyển dịch từ khai thác sang nuôi trồng.
Về quy mô diện tích, diện tích nuôi trồng trong 5 năm qua đã giảm 3,2 nghìn ha, chủ yếu là diện tích quảng canh kém hiệu quả, phát triển mang tính phong trào, thiếu đầu tư về kỹ thuật, khoa học công nghệ. Việc nuôi trồng thủy sản trong vùng đang có xu hướng chuyển mạnh sang sản xuất đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả. Nhờ đó mặc dù diện tích giảm song sản lượng nuôi trồng đã tăng từ 178,5 ngàn tấn năm 2006 lên 245 ngàn tấn năm 2010 (tăng 37%).
Giai đoạn 2006-2010 số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ của vùng tiếp tục gia tăng, bình quân tăng 2%/năm. Năm 2010, đội tàu khai thác hải sản xa bờ của vùng chiếm 15,8% về số lượng và 19,4% về tổng công suất đội tàu khai thác xa bờ của cả nước. Sản lượng khai thác đạt 371,65 ngàn tấn năm 2010, tăng 46,4 ngàn tấn so với năm 2006 (tăng 14,2%). Tuy nhiên, trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hiện đại làm ảnh hưởng đến quy mô, thời gian khai thác ở các vùng biển xa. Ngoài ra, việc giá nhiên liệu thường xuyên tăng cao nên đã khiến hiệu quả khai thác chưa tương xứng với đầu tư.
- Lâm nghiệp: Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp vùng KTTĐPN năm 2010 ước gần đạt 749 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2005. Giai đoạn 2006-2010, các tỉnh trong vùng trồng mới rừng tập trung bình quân 4 ngàn ha/năm; giao khoán quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh 7 ngàn ha/năm; chăm sóc rừng đạt trên 22 ngàn ha/năm. Bên cạnh trồng rừng tập trung, hàng năm các địa phương còn trồng khoảng 50-60 triệu cây cây lâm nghiệp phân tán. Tuy có nhiều khó khăn nhưng các tỉnh trong vùng đã thực hiện được mục tiêu đề ra tại Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 và Nghị quyết số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 về diện tích trồng mới và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng.
Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh trong vùng hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, với diện tích đất lâm nghiệp của toàn vùng là 510.613 ha, trong đó:
+ Diện tích đất rừng đặc dụng: 172,5 ngàn ha;
+ Diện tích đất rừng phòng hộ: 176,2 ngàn ha;
+ Diện tích đất rừng sản xuất: 162 ngàn ha.
1.2. Quản lý và thực hiện quy hoạch thủy lợi, đê sông, đê biển
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các tỉnh trong vùng lập sơ đồ khai thác hệ thống sông Đồng Nai, Sông La Ngà, Sông Bé, sông Sài Gòn và phát triển thủy lợi, thủy điện lớn. Nhiều công trình trên dòng chính đã thực hiện có hiệu quả trong cấp nước, kiểm soát lũ, bảo vệ môi trường và các hoạt động dân sinh kinh tế. Một số công trình đã và đang được xây dựng như: Hồ Trị An, Hồ Thác Mơ, Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng, Công trình thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi, Công trình thủy điện Cần Đơn…
Hệ thống ngăn mặn Ông Kèo bảo vệ sản xuất cho 5,4 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai; hệ thống thủy lợi Hóc Môn- Bắc Bình Chánh vừa cấp nước tưới, vừa ngăn ngập lũ-triều, tiêu úng và ngăn mặn để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp 12 ngàn ha của TP. Hồ Chí Minh; các hệ thống thủy lợi Rạch Chanh-Tri Yên, Mồng Gà-Đôi Ma cấp nước ngọt và kiểm soát mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho trên 17 ngàn ha của tỉnh Long An.
Năm năm qua, 30 dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý đã được đầu tư với tổng vốn ban đầu khoảng 5.330 tỷ đồng. Cùng với đầu tư các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư. Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trong vùng đạt 92%, so với 83% của cả nước.
1.3. Chương trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010, đến nay các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trong đó, 2 tỉnh thành lập Văn phòng điều phối và Tổ công tác giúp việc là TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước; 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; Các xã đang tiến hành thành lập Ban quản lý xã. Về chọn xã điểm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh mỗi huyện chọn 1 xã, các tỉnh còn lại đều chọn ít nhất là 02 xã/1 huyện như: Tây Ninh chọn 19 xã điểm/8 huyện; Bình Phước chọn 20 xã điểm/10 điểm; Bình Dương chọn 29 xã điểm/7 huyện. Đến nay các tỉnh đều đã hoàn thành việc đánh giá thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí làm cơ sở triển khai những bước tiếp theo.
Năm 2010, hầu hết các tỉnh đã chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí để các xã điểm triển khai công tác quy hoạch nông thôn mới, làm cơ sở để mở rộng trước khi nhân ra diện rộng. Do vậy, đến nay các điểm đã hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới làm cơ sở để tỉnh bố trí kế hoạch vốn gắn với nguồn vốn của xã có thể huy động để triển khai thực hiện chương trình.
2. Những tồn tại và thách thức
- Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn thiếu bền vững; tính tự phát, sản xuất không theo quy hoạch xảy ra khá phổ biến; thiếu sự gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp; trình độ lao động trong nông nghiệp còn thấp, đa số là lao động chưa qua đào tạo. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn đang đặt ra bức xúc.
- Đời sống của người dân trong vùng tuy đã được cải thiện một bước nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm hộ thu nhập cao và nhóm hộ thu nhập thấp ngày càng doãng ra.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất, đặc biệt trước nguy cơ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
IV. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1. Những kết quả chính
1.1. Về sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản), giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 1994) đạt tốc độ tăng bình quân 6,5%/năm, từ 25.145 tỷ đồng năm 2005 lên 37.160 tỷ đồng năm 2010.
- Trồng trọt: Lúa là cây trồng lợi thế của vùng. Diện tích trồng lúa duy trì ở mức 1,3 triệu ha/năm. Tuy nhiên, nhờ tăng hiệu quả trong thâm canh nên sản lượng lúa tăng từ 6,2 triệu tấn năm 2006 lên 7,5 triệu tấn năm 2010, tốc độ tăng bình quân 2,7%/năm. Mức bình quân lương thực đầu người của vùng đạt gần 1.430 kg/người, cao hơn 2,5 lần so với bình quân của cả nước.
+ Rau đậu các loại, nhất là rau xanh có xu hướng tăng mạnh do thị trường tiêu thụ tốt, hiệu quả trồng khá cao nên diện tích trồng rau bình quân tăng 7%/năm.
+ Cây ăn quả chủ yếu là xoài, cam, bưởi, quýt, nhãn… Trong giai đoạn 2006-2010 diện tích và sản lượng xoài tăng khá cao, các cây khác mức tăng giảm không ổn định.
- Chăn nuôi:
+ Chăn nuôi bò những năm qua khá ổn định; tốc độ tăng quy mô đàn bình quân 1,4%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Xu hướng chung gần đây người dân chuyển sang chủ yếu nuôi bò thịt và bò sữa. Năm 2010 tổng đàn bò khoảng 94 ngàn con, trong đó bò sữa là 586 con, bò kéo gần 14 ngàn con.
+ Chăn nuôi lợn chiếm một vị trí quan trọng trong chăn nuôi của vùng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của một số yếu tố như giá cả, dịch bệnh, quy mô đàn lợn có nhiều năm giảm. Giai đoạn 2006-2010 đàn lợn giảm 3,2%/năm, dẫn đến sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm từ 90 ngàn tấn xuống còn 88 ngàn tấn.
+ Chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là vịt là một ưu thế của vùng. Năm 2010 đàn gia cầm cả vùng khoảng 13 triệu con, tăng bình quân 12%/năm.
- Thủy sản:
Giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng 7,7%/năm. Cơ cấu sản xuất thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng và giảm tỷ trọng khai thác.
Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, thành một nghề sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở vùng, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, từ 386 ngàn ha năm 2006 lên 427 ngàn ha vào năm 2010; sản lượng tăng từ 497 ngàn tấn lên 785 ngàn tấn, bình quân tăng 12,7%/năm. Các sản phẩm trong vùng khá đa dạng, trong đó sản phẩm chính là cá tra và tôm sú.
Khai thác thủy sản đạt tốc độ tăng sản lượng bình quân 2%/năm; năm 2010 đạt 550 nghìn tấn, chiếm 10,7% tổng sản lượng khai thác thủy sản của cả nước. Tổng số tàu khai thác thủy sản của vùng năm 2010 là 17.187 chiếc, tổng công suất 1.745 nghìn CV. Trong đó số tàu thuyền khai thác xa bờ năm 2010 là 3.631 chiếc, tổng công suất 1.182 nghìn CV. Giai đoạn 2006-2010 lượng tàu gia tăng bình quân 2%/năm.
- Lâm nghiệp: Năm 2010 tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của vùng chỉ chiếm 0,9%. Diện tích rừng giảm liên tục trong giai đoạn 2006-2010 do đất lâm nghiệp bị khai thác chuyển đổi cho các mục đích sử dụng khác trong đó đặc biệt cho nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm hiện nay diện tích đất lâm nghiệp của vùng khoảng 211 nghìn ha, chiếm 64% đất lâm nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng diện tích trồng rừng tập trung 2006-2010 là 5 ngàn ha, trồng cây phân tán đạt 10 triệu cây, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng 15 ngàn ha/năm.
1.2. Quản lý và thực hiện quy hoạch thủy lợi, đê sông, đê biển
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt nhiều dự án thủy lợi đã được đầu tư. Hệ thống kè chống sạt lở được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng lại, như hệ thống kè ở Tân Châu (An Giang), thành phố Cần Thơ, thành phố Rạch Giá. Tuyến đê biển dài 118 km từ Hà Tiên đến giáp Cà Mau, tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau dài 92,7 km đã được đầu tư và hoàn thành.
Về cấp nước sinh hoạt và VSMTNT, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Tỷ lệ người dùng nước hợp vệ sinh tăng 20% so với năm 2006, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh vào cuối năm 2010 lên 87%.
Cùng với hệ thống hạ tầng thủy lợi và cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư với những dự án lớn như Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Rạch Gốc tỉnh Cà Mau, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Hòn Tre tỉnh Kiên Giang, Cảng cá Tắc Cậu tỉnh Kiên Giang…
1.3. Chương trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong vùng đang khẩn trương lập Đề án xây dựng xã NMT giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đề ra các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2015 có tối thiểu 20% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã đạt chuẩn NTM.
2. Những tồn tại và thách thức
- Sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp nông thôn đang trở thành một vấn đề bức xúc. Sản xuất không theo quy hoạch, thiếu sự gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp; hình thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu nhất là trong ngành chăn nuôi làm cho khả năng ứng phó với dịch bệnh rất khó khăn.
- Đời sống của người dân trong vùng tuy đã được cải thiện một bước nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng và có nguy cơ tụt hậu. (Giai đoạn 1999 - 2002 thu nhập bình quân đầu người tháng của vùng ĐBSCL cao hơn mức bình quân cả nước. Từ 2004 trở lại đây thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL dần thấp hơn mức bình quân chung cả nước (Năm 2004 bằng 97,3%, năm 2008 tiếp tục xuống thấp hơn chỉ còn bằng 94,5%). Khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm hộ thu nhập cao và nhóm hộ thu nhập thấp trên 7 lần.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất, đặc biệt trước nguy cơ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhìn chung, việc cung cấp nước sạch cho nông thôn trong những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể, nhưng cũng còn nhiều khó khăn do thiếu vốn và nguồn nước sạch, đặc biệt là các vùng ven biển, vùng bị nhiễm mặn và nhiễm phèn và các vùng biên giới. Chất lượng nước và chất lượng các công trình cấp nước còn thấp chưa đạt các yêu cầu. Một số công trình cấp nước tập trung ở cụm, tuyến dân cư vượt lũ không phát huy hiệu quả.
B. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2012 VÀ GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
I. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA BẮC
1. Định hướng phát triển sản xuất
Về nông nghiệp: Phát triển vùng lúa hàng hóa, rau, hoa chất lượng cao, đẩy mạnh canh tác vụ đông, phát triển và xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả đặc sản; phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng công nghiệp, tập trung gắn với cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Duy trì, bảo vệ diện tích đất lúa, đặc biệt là đất lúa 2 vụ đã được đầu tư thủy lợi theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo phương án quy hoạch Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ; giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có VKTTĐPB) cần duy trì bảo vệ 575.310 ha đất lúa, trong đó 538.590 ha đất chuyên lúa.
Về thủy sản: Chuyển nuôi trồng thủy sản nước ngọt từ ao hồ nhỏ, ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung trong các trang trại; phát triển nuôi lợ, nuôi biển, nuôi trồng sinh vật cảnh. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ; tổ chức lại nghề khai thác thủy sản ven bờ và trong nội địa gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Một số dự án thuộc Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010 chưa hoàn thành sẽ chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 3/3/2011.
Về lâm nghiệp: Bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, phát triển rừng phòng hộ ven biển. Phát triển trồng cây xanh trong các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, trồng cây phân tán ở nông thôn để tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
2. Phát triển nông thôn
- Duy trì, phát triển bền vững các làng nghề hiện có trong vùng (số làng nghề vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 43% số làng nghề toàn quốc); tổ chức thực hiện tốt Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh cuộc vận động, tuyên truyền và tổ chức triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần nội dung Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2020, phấn đấu 70% số xã trong vùng đạt xã nông thôn mới (cả nước đạt 50%). Hình thành các khu dân cư và thị trấn, thị tứ ở nông thôn; phục vụ lao động và dịch vụ cho hoạt động công nghiệp và kinh tế đô thị lớn của vùng. Thực hiện ly nông bất ly hương, tăng thu nhập và tạo việc làm cho phần lớn dân cư nông thôn từ hoạt động phi nông nghiệp.
3. Một số giải pháp chính
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao sản xuất theo quy trình VietGap; phát triển chế biến để nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng cho tiêu dùng và nâng cao thu nhập/đơn vị diện tích.
- Củng cố, hoàn thiện các tổ chức dịch vụ công phục vụ sản xuất (Khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y) nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, nâng cao hiệu quả/đơn vị diện tích đất; triển khai Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.
- Cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi và bổ sung các công trình cấp nước, tiêu thoát nước cho các vùng: Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy, An Kim Hải, Bắc Đuống, Bắc Nam Hà… đảm bảo tưới tiêu ổn định và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển (Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ); các tuyến đê sông Hồng - sông Thái Bình đảm bảo an toàn chống lũ cho Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng (Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 09/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống đê sông Đáy, nạo vét lòng dẫn sông Đáy để chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 3/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục đầu tư hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão theo phương án quy hoạch được duyệt; Quy hoạch và thúc đẩy hình thành Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ, hình thành hai trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hải Phòng là Cát Bà và đảo Bạch Long Vỹ.
Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện đang tiếp tục đầu tư các dự án thủy lợi sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gồm 18 dự án thủy lợi với tổng mức đầu tư 2.882 tỷ đồng, trong đó có một số dự án tập trung tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như cải tạo hệ thống thủy lợi An Kim Hải (Hải Phòng, Hải Dương)… Các dự án dự kiến sẽ được đầu tư hoàn thành vào năm 2012, 2013. Chương trình đầu tư hệ thống đê biển, đê sông… vẫn tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
- Hoàn thành và thực hiện 4 dự án quy hoạch hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống (cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản) theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống theo phương án quy hoạch được duyệt trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị quản lý chất lượng sản phẩm trên địa bàn, tạo điều kiện tổ chức thực hiện tốt Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12.
II. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
1. Định hướng phát triển sản xuất
- Chuyển đổi cơ cấu gắn với xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như lạc, mía, điều… gắn với chế biến công nghiệp và thị trường. Phát triển rau và mở rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế như cam, nho, thanh long… Phát triển nhanh chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, nuôi nhốt có kiểm soát, từng bước chuyển lên chăn nuôi công nghiệp; chú trọng các biện pháp phòng dịch, chống rét cho đàn vật nuôi; trong thủy sản đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật để nuôi thâm canh.
- Tập trung phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đầu tư phát triển khai thác hải sản xa bờ kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển.
- Tăng cường công tác bảo vệ rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ, chế biến lâm sản, nhất là hàng lâm sản xuất khẩu. Tiếp tục triển khai một số dự án ODA trên địa bàn (nhất là dự án trồng rừng phòng hộ ven biển) để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
2. Phát triển nông thôn
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bám sát tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ về xây dựng nông thôn mới để có giải pháp cụ thể thực hiện tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức tốt việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã vùng bãi ngang, vùng có nguy cơ sạt lở do lũ ống, lũ quét…; bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, hạn chế di dân tự do đến các vùng khác.
- Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân tổ chức lại sản xuất, đầu tư trang thiết bị phát triển khai thác hải sản xa bờ.
- Thúc đẩy việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất ổn định lâu dài; chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy; thực hiện tốt việc gắn phát triển nương cố định với định canh, định cư và giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân.
- Tập trung đầu tư bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho dân cư, có giải pháp thiết thực giải quyết vấn đề thiếu nước vùng nước lợ ven biển, vùng cao.
3. Một số giải pháp chính
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Quy hoạch và thu hút mạnh đầu tư hệ thống các cơ sở công nghệ sau thu hoạch.
- Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Đặc biệt quan tâm và tăng đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở trạm, trại nông nghiệp ở cấp huyện và cấp xã, hệ thống đường giao thông nông thôn, đường lâm nghiệp, các công trình phòng chống cháy rừng, các cơ sở vườn ươm cây con.
Tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi với trọng tâm là: (1) Nâng cấp, tu bổ các công trình đang bị xuống cấp, đẩy nhanh việc kiên cố hóa kênh mương và công trình thủy lợi hiện có; xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư; (2) Tổ chức thực hiện việc đồng bộ hóa giữa công trình thủy lợi đầu mối và kênh mương để nâng cao năng lực tưới, tiêu nước, đảm bảo đời sống của nhân dân trong vùng. Tổ chức tốt việc xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn theo chương trình, các công trình thủy lợi miền núi và các dự án thủy lợi cấp bách sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ.
- Phát triển thị trường hàng nông, thủy sản, giải quyết tốt khâu tiêu thụ. Tăng cường xúc tiến thương mại; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia thị trường nông, thủy sản. Phát huy lợi thế địa lý của vùng kết nối giữa thị trường miền Bắc, miền Nam cùng với thế mạnh về kinh tế cửa khẩu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Chú trọng đào tạo nhân lực nông thôn trong kế hoạch chung về phát triển giáo dục và đào tạo như giải pháp chiến lược phát triển của vùng. Có chính sách thu hút cán bộ, kể cả sinh viên đại học, cao đẳng các chuyên ngành nông, lâm nghiệp về các xã miền núi công tác có thời hạn. Chú trọng đào tạo cán bộ, công chức, cán bộ quản lý HTX, nhất là cán bộ là người địa phương, người dân tộc tại chỗ, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp nông thôn; kết hợp cả ngắn hạn và dài hạn, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về chuyên ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Đầu tư hệ thống trường đào tạo trong ngành và khai thác cơ sở đào tạo thuộc ngành khác trên địa bàn vùng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện tốt Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn.
- Phối hợp thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có; tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách mới, đảm bảo các nguồn lực cần thiết về vốn và nhân lực; tổng kết các điển hình, các nhân tố mới để phổ biến nhân diện rộng. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn vùng; bảo đảm tiến độ thực hiện và chất lượng của các công trình đầu tư.
III. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
1. Định hướng phát triển sản xuất
Phát triển nông nghiệp vùng KTTĐPN toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích. Giai đoạn 2011 – 2015; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất duy trì mức trên 5%/năm.
- Trồng trọt, phát triển các cây trồng có lợi thế và thị trường có nhu cầu để tập trung đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến.
- Phát triển chăn nuôi theo lợi thế của từng vùng sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước theo hướng sản xuất tập trung công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
- Thủy sản, tập trung phát triển nuôi trồng theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và duy trì cân bằng sinh thái môi trường. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển bằng các loài hải sản có giá trị thương mại cao, phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nuôi trồng thủy sản nước lợ. Phát triển khai thác hải sản xa bờ theo hướng khai thác bền vững, kết hợp kinh tế - quốc phòng, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên và cân bằng sinh thái môi trường. Tổ chức lại hệ thống nhà máy chế biến đạt trình độ công nghệ tương đương các nước phát triển, theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Mức tăng trưởng của ngành thủy sản đạt khoảng 8,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015.
- Bố trí sắp xếp hoàn chỉnh cơ cấu rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng; phát triển rừng sản xuất thâm canh, phát triển những cây trồng có lợi thế của vùng, tạo vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh có quy mô thích hợp, đáp ứng tiêu chí bền vững; cung cấp phần quan trọng nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và nhu cầu của ngành tiểu thủ công nghiệp; tập trung ưu tiên phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ. Phát triển trồng cây phân tán. Đầu tư phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn đầu nguồn, nhạy cảm môi trường ở các vùng ven biển. Củng cố, phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn nguyên trạng đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái đáp ứng mục tiêu hàng đầu về môi trường và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp như du lịch, nghiên cứu…
2. Phát triển nông thôn:
- Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, đổi mới một cách căn bản đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn theo hướng tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, xóa bỏ bất bình đẳng về cơ hội, nhằm đưa vùng KTTĐPN không chỉ trở thành một vùng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp chất lượng cao lớn nhất cả nước mà còn là một vùng nông thôn hiện đại, văn minh.
- Tiến hành chương trình nghiên cứu xác định lợi thế và thị trường cho các sản phẩm làng nghề, gắn với công nghiệp và kinh tế đô thị, với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống. Quy hoạch làng nghề có quy mô, cơ cấu sản phẩm, công nghệ hợp lý, môi trường bền vững.
3. Một số giải pháp chính
- Rà soát lại quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch. Tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích các hình thức sản xuất công nghiệp, trang trại, gia trại; doanh nghiệp có quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất theo quy trình VietGap, chế biến để nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng cho tiêu dùng, áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông, lâm, thủy sản để nâng cao năng suất lao động nông nghiệp.
- Tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển công nghiệp chế biến. Đặc biệt khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, áp dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm có giá trị cao. Trước hết, phát triển các ngành vùng có lợi thế, có nguyên liệu và thu hút nhiều lao động, quy hoạch các vùng nguyên liệu chuyên canh.
- Phát triển thủy lợi: Đến năm 2020, các công trình thủy lợi phải đảm bảo cấp nước cho 609 ngàn ha đất nông nghiệp, 100% dân số thành thị được dùng nước máy, tiêu 994,4 ngàn ha đất nông nghiệp, công nghiệp, đất đô thị và khu dân cư; tu bổ nâng cấp 19 hồ, đập; 10 trạm bơm, cống; nạo vét kiên cố hóa kênh mương các loại; xây dựng mới 42 hồ, đập; 4 trạm bơm, cống, 3 kênh mương.
- Phát triển giao thông nông thôn gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm thông suốt bốn mùa tới các xã và cơ bản có đường ô tô đến thôn, bản. Ưu tiên phát triển giao thông ở các vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn. Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống đường đến các vùng ven biển để phát triển công nghiệp và đô thị. Phát triển giao thông thủy, xây dựng các cảng sông, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão; nạo vét luồng lạch và các phương tiện vận tải sông, biển an toàn.
IV. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM ĐB SÔNG CỬU LONG
1. Định hướng phát triển
Nông nghiệp: Phát triển sản xuất lúa gạo, hình thành vùng chuyên canh thâm canh quy mô lớn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, phát triển cây ăn quả tạo thành vùng tập trung sản xuất hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn. Phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nuôi thủy cầm theo hướng tập trung. Quản lý được dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng, hiệu quả.
Lâm nghiệp: Phát triển, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng ngập mặn ven biển, tái tạo hệ sinh thái vùng rừng tràm trên đất phèn, hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, phối hợp kinh doanh rừng, bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học và dịch vụ du lịch. Có chính sách khuyến khích trồng cây phân tán và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản nhằm sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ, phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu.
Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa lớn trên các vùng nước mặn lợ, nước ngọt với hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm nước lợ, cá tra. Chuyển sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh, áp dụng công nghệ mới. Ven biển phát triển nuôi tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể. Trong nội địa, nuôi lồng bè cá tra, tôm càng xanh, cá thác lác, cá bống tượng. Xây dựng năng lực đánh bắt đại dương, hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, mở rộng, xây mới hệ thống nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Phát triển các khu bảo tồn biển và nội địa.
Về phát triển nông thôn: Phấn đấu đến năm 2015 có tối thiểu 20% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã đạt chuẩn NTM.
2. Một số giải pháp chính
- Tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng, ngành hàng chính nhằm khai thác tối đa lợi thế của vùng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo phát triển bền vững, trong đó chú trọng các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ nòng cốt trong vùng như Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả miền Nam, Đại học Cần Thơ, Trung tâm giống quốc gia thủy sản Cái Bè… đảm bảo cho các cơ sở này được trang bị hiện đại, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, đủ sức đảm đương các chương trình trọng điểm nhằm tạo ra những đột phá trong nông nghiệp.
- Tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi, đê điều; hệ thống bến cá, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá; Hệ thống kho tàng, khu công nghiệp chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản.
- Khuyến khích mọi tổ chức, mọi thành phần kinh tế tham gia tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
- Chú trọng đào tạo nhân lực nông thôn tập trung vào những ngành nghề là thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt cũng như khả năng chuyển dịch cơ cấu lao động.
- Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, tạo các điều kiện thuận lợi để các hộ có khả năng phát triển mở rộng hình thức trang trại, gia trại. Củng cố và nâng cao vai trò HTX, tổ hợp tác làm chức năng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Phần thứ hai.
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐIỀU PHỐI TRONG THỜI GIAN QUA
Thực hiện Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2007 về Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm, trong 5 năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương trong vùng rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản các vùng KTTĐPN trên nguyên tắc cập nhật các thông tin về biến đổi khí hậu, tiến độ và lộ trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp giảm; xu hướng phát triển của khoa học công nghệ; nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong vùng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm… để điều chỉnh các quy hoạch ngành đến năm 2020. Điển hình như:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, lấy ý kiến các địa phương các vùng KTTĐ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, như Quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến; Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa nhu cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, cây ăn quả, rau an toàn thực phẩm xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu; Quy hoạch, tổ chức lại ngành chăn nuôi gắn với cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm phù hợp điều kiện của từng vùng; Quy hoạch phát triển rừng theo hướng bảo vệ, chăm sóc rừng đã có, trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng cây xanh ở các khu đô thị để tăng độ che phủ của rừng; Rà soát điều chỉnh quy hoạch Thủy lợi giải quyết nước cho phát triển công nghiệp, nước sinh hoạt và xử lý môi trường.
Phối hợp tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sản vùng nước nội địa, khai thác hiệu quả các hồ chứa. Quy hoạch hệ thống chế biến thủy sản; Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng cát ven biển; Quy hoạch hệ thống cảng cá…
Một số quy hoạch nông nghiệp khác cũng được triển khai như: Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn ven biển các vùng kinh tế phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển và ven biển đến năm 2020; Quy hoạch phát triển kinh tế nông lâm nghiệp vùng Đông Trường Sơn (phía tây Thừa Thiên Huế); Quy hoạch bố trí cơ cấu sản xuất hợp lý và hiệu quả trên đất thường khô hạn và ngập lụt các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp vùng lưu vực sông Thu Bồn…
Những quy hoạch trên đã được các địa phương các vùng KTTĐ tham gia tích cực, có tính khả thi cao, Nội dung rà soát và điều chỉnh tập trung khai thác lợi thế phát triển nông, lâm, thủy sản của vùng; giải quyết mối quan hệ giữa sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là những cơ sở định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành các quy hoạch trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thủy lợi trên phạm vi quản lý của địa phương; đồng thời cũng là định hướng cho các cấp, các ngành chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư từ nước ngoài (vốn FDI, ODA), huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư tại các địa phương các vùng KTTĐ.
- Tham gia các cuộc họp do Ban Chỉ đạo Điều phối các vùng KTTĐ tổ chức. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ cũng như báo cáo chuyên đề (thủy lợi, xây dựng nông thôn mới…) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm ít nhiều còn mang tính hình thức, cơ chế phối hợp giữa các bên chưa được thực hiện thường xuyên và chưa thực sự hiệu quả.
Phần thứ ba.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương
1.1. Về cơ chế, chính sách
- Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho tổ đội sản xuất hải sản trên biển theo đề nghị của Bộ NN&PTNT; chính sách về hỗ trợ vốn ngân sách cho việc chuyển đổi nghề trong quá trình sắp xếp nghề khai thác hải sản gần bờ, hỗ trợ các xã ven đầm phá và các xã bãi ngang, hải đảo đặc biệt khó khăn tương tự như các xã vùng sâu, vùng xa trong Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị sửa đổi một số chính sách phát triển nông thôn để phù hợp với thực tiễn:
+ Sửa đổi Nghị định 02/2010/NĐ-CP về hoạt động khuyến nông như chế độ lương, đãi ngộ cho người hoạt động khuyến nông, chính sách đào tạo, bồi dưỡng người tham gia hoạt động khuyến nông, kinh phí quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá;
+ Xem xét, sửa đổi Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo hướng tăng cường vai trò của ngành Nông nghiệp và PTNT trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Có cơ chế cụ thể để hệ thống khuyến nông, các trường, các viện nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát huy cao hơn năng lực và kinh nghiệm đã tích lũy nhiều năm;
+ Về chương trình MTQG nông thôn mới, đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn đã được phân công tại Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp đề xuất điều chỉnh Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các địa phương.
2.2. Về vốn đầu tư
- Đề nghị Chính phủ ưu tiên tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung 5 năm tới (2011 - 2015) với mức tăng cao hơn mức tăng của các vùng khác. Sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung ít thuận lợi, thường có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đề nghị Chính phủ có những chương trình hỗ trợ đặc biệt về hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật cho các địa phương trong vùng.
- Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án thủy lợi hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011 và 2012 - 2015, các dự án có hiệu quả và các công trình cấp bách; tiếp tục đầu tư Chương trình bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước trong vùng.
- Tăng mức đầu tư cho khai thác hải sản trước hết là cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; cho phép mở rộng thí điểm hợp tác, liên doanh trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với các đối tác nước ngoài ở một số ngư trường có độ nhạy cảm về an ninh quốc phòng thấp;
- Đầu tư xây dựng đội tàu kiểm ngư, đội tàu dịch vụ công ích thu mua hải sản trên biển, đảm bảo an toàn cho ngư dân yên tâm sản xuất, bám biển giảm chi phí di chuyển;
- Đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá trọng điểm tại miền Trung, để thu hút nguồn vốn đầu tư, giải quyết việc làm nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển; cũng như đào tạo nguồn nhân lực nghề cá có chất lượng phục vụ cho địa phương.
- Hỗ trợ vốn hoàn thành xây dựng các tuyến đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô và các xã chưa có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; tăng vốn hỗ trợ các địa phương đầu tư phòng chống sạt lở sông, suối, công trình đầu mối của các hồ chứa nước.
- Tăng vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và VSMT nông thôn.
2. Đề nghị với địa phương các vùng KTTĐ
- Trên cơ sở quy hoạch, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ phù hợp để chủ động phòng tránh lũ lụt, đặc biệt những nơi thường xảy ra sạt lở, úng lụt dài ngày; đẩy mạnh công tác lập đề án nông thôn mới cho các xã và chỉ đạo thực hiện lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết; thực hiện đồng bộ quy hoạch bố trí dân cư, hạ tầng cơ sở với quy hoạch nông thôn mới; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư đồng bộ công trình, đặc biệt là hệ thống kênh cấp dưới nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Có chính sách thu hút cán bộ khoa học công nghệ đến công tác tại những địa bàn còn nhiều khó khăn./.